Hà Nội

Chủ tịch Quốc hội: Sửa đổi Luật BHYT, Luật Dược kỳ vọng tháo gỡ nhiều vướng mắc

26-10-2024 17:48 | Thời sự
google news

SKĐS - Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận Tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn kỳ vọng sau khi sửa đổi Luật BHYT và Luật Dược sẽ tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc.

Nhiều kỳ vọng sau khi sửa đổi Luật BHYT, Luật Dược

Chiều 26/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Tổ về tình hình phát triển KT-XH. Phát biểu ý kiến tại Tổ 13, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn kỳ vọng sau khi sửa đổi Luật BHYT và Luật Dược sẽ tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thời gian qua, Quốc hội đồng hành với Chính phủ trong xây dựng pháp luật với mục đích Luật ngày càng chuyên nghiệp, tuổi thọ cao. Tại Kỳ họp thứ 8 này rất nhiều việc, chúng ta phải tập trung 29,5 ngày để thông qua tới 18 dự án Luật. Các dự án Luật đều được cử tri, nhân dân, doanh nghiệp rất quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội: Sửa đổi Luật BHYT, Luật Dược kỳ vọng tháo gỡ nhiều vướng mắc- Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận Tổ chiều 26/10. Ảnh: Trọng Quỳnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT nếu được thông qua thì người dân mua BHYT được thông tuyến (tức không còn địa giới hành chính) là thành công 20 năm nay.

Chủ tịch Quốc hội hy vọng, việc sửa đổi Luật BHYT sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc xung quanh các vấn đề: Mua bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm. Bên cạnh đó, sửa đổi Luật BHYT, Luật Dược cần gắn với Luật Khám, chữa bệnh 2023 có hiệu lực từ 1/1/2025.

"Hiến pháp cũng đã nói, quyền khám, chữa bệnh của người dân phải đặc biệt được quan tâm. Rất mong các đại biểu hết sức quan tâm", Chủ tịch Quốc hội mong muốn.

Không để tình trạng "già trước khi giàu"

Cũng thảo luận tại Tổ 13, ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho ý kiến, mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế, có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng và khu vực, đặt ra thách thức lớn trong việc thực hiện các mục tiêu tại Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.

Năm 2023, trong 6 vùng KT-XH, có đến 4 vùng mức sinh cao trên mức sinh thay thế, 2 vùng có mức sinh rất thấp dưới mức sinh thay thế; thấp nhất là vùng Đông Nam Bộ, bình quân mỗi phụ nữ sinh 1,47 con/phụ nữ; cao nhất là vùng Trung du và miền núi phía Bắc là 2,4 con/phụ nữ. Tổng tỷ suất sinh năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ.

Chủ tịch Quốc hội: Sửa đổi Luật BHYT, Luật Dược kỳ vọng tháo gỡ nhiều vướng mắc- Ảnh 2.

ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Trọng Quỳnh.

Theo dự báo, với mức sinh trung bình như hiện nay, năm 2024, tỷ lệ tăng dân số bình quân là 0,93% và sẽ giảm còn 0,73% năm 2029, giảm còn 0,63 năm 2034, giảm tiếp còn 0,55 năm 2039. Đặc biệt, đến năm 2064, giảm còn 0,05% và năm 2069, tỉ lệ tăng dân số bình quân là 0% - Đây là vấn đề hết sức hệ trọng.

Trên thế giới, theo Báo cáo năm 2024 của Liên Hợp Quốc, phụ nữ ngày nay sinh ít hơn trung bình một con so với năm 1990. Hiện tại, mức sinh toàn cầu là 2,3 con/phụ nữ, giảm so với mức 3,3 con/phụ nữ vào năm 1990.

Hơn một nửa các quốc gia và khu vực trên toàn cầu có tổng tỷ suất sinh dưới mức sinh thay thế (dưới 2,1 con/phụ nữ); trong khi mức sinh thay thế - mức cần thiết để duy trì quy mô không đổi trong thời gian dài mà không cần di cư. Hiện, trên toàn cầu có khoảng 55 quốc gia có chính sách nâng mức sinh. Tuy nhiên, việc nâng mức sinh tại các quốc gia có mức sinh rất thấp hầu như chưa mang lại kết quả khả quan.

Chủ tịch Quốc hội: Sửa đổi Luật BHYT, Luật Dược kỳ vọng tháo gỡ nhiều vướng mắc- Ảnh 4.

Quang cảnh phiên thảo luận Tổ 13.

Đại biểu Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, dự báo chỉ số già hóa của cả nước vào các năm 2029, 2049 và 2069 sẽ tương ứng là 78,0; 131,3 và 154,5. Từ năm 2036 cho tới hết thời kỳ dự báo, dân số cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) sẽ cao hơn dân số trẻ em (0-14 tuổi).

"Già hóa dân số là xu hướng tất yếu của mỗi quốc gia, do đó, rất cần có những giải pháp thích ứng phù hợp để không rơi vào tình trạng "già trước khi giàu" ở cả cấp độ quốc gia và mỗi cá nhân", đại biểu nêu quan điểm.

ĐBQH trăn trở, nêu lý do đề xuất bỏ quy định kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3ĐBQH trăn trở, nêu lý do đề xuất bỏ quy định kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3

SKĐS - Sáng 26/10, thảo luận ở Tổ về tình hình KT-XH, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan – Đoàn ĐBQH TP HCM trăn trở trước việc đảng viên sinh con thứ 3 vẫn bị kỷ luật.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn