Sáng 25/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.
Sau khi nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, các vấn đề liên quan đến BHYT, cơ sở khám chữa bệnh BHYT, cải cách hành chính trong khám, điều trị bệnh BHYT thường xuyên được nhân dân nêu trong các cuộc tiếp xúc cử tri. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT cần được tiến hành một cách cẩn trọng, nghiên cứu, rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, thấu đáo.
Nêu rõ BHYT tế là một cơ chế tài chính y tế, đồng thời là chính sách an sinh xã hội, thực hiện theo mục tiêu công bằng, hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, Chủ tịch Quốc hội cho biết, thách thức lớn hiện nay là đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tham gia BHYT, giảm chi tiêu cá nhân của người sử dụng dịch vụ y tế, nâng cao hiệu quả hoạt động y tế cơ sở, nâng cao độ phủ của BHYT trong toàn dân.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, việc sửa đổi Luật BHYT cần bám sát các Nghị quyết của Đảng, đảm bảo thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan; Cần cân nhắc để phạm vi sửa đổi luật đã tập trung vào các nội dung thật sự cần thiết sửa đổi, tháo gỡ những bất cập, vướng mắc, khó khăn.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, trong báo cáo cần làm rõ các thành tựu, kết quả của ngành y tế, BHYT đã đạt được trong những năm qua, giải đáp được các vấn đề mà ĐBQH, cử tri quan tâm; Đồng thời thể hiện rõ được các tồn tại, hạn chế trong vận hành, từ đó có kế hoạch cụ thể để khắc phục trong thời gian tới.
Tổng Thư ký – Chủ nhiệm VPQH Bùi Văn Cường cho biết, dự thảo Luật hiện thời đang quy định rõ hơn về hành vi chậm đóng, trốn đóng BHYT. Theo ông Cường, đây là quy định rất cần thiết nhằm nâng cao tính răn đe đối với các hành vi vi phạm trong việc thực hiện nghĩa vụ đóng BHYT nhưng cần rà soát để đảm bảo tương thích với quy định của Luật BHXH.
Ông Bùi Văn Cường cũng đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ hơn về các trường hợp được xem là có lý do chính đáng để tránh tình trạng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Về phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT, để đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe của nhân dân, ông Cường đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu mở rộng quyền lợi cho người tham gia BHYT phù hợp với khả năng cân đối Quỹ BHYT, mở rộng phạm vi BHYT đối với các hoạt động khám, chẩn đoán, đánh giá nguy cơ, tình trạng sức khỏe, điều trị sớm một số bệnh…
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, UBTVQH ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Y tế trong việc xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Xã hội. Do dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình rút gọn tại một kỳ họp, nên chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hiện hành để giải quyết một số vấn đề vướng mắc, bất cập có tính cấp thiết.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ dự án luật để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 đúng thời hạn quy định theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.