Chủ tịch Quốc hội: Kỳ họp thứ 9 có ý nghĩa lịch sử, thực hiện đột phá về thể chế

05-05-2025 09:46 | Thời sự
google news

SKĐS - Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Kỳ họp thứ 9 là kỳ họp có ý nghĩa lịch sử, thực hiện đột phá về thể chế để bước vào một kỷ nguyên của hiện đại hóa, số hóa, xanh hóa và phát triển bền vững.

Đúng 9h sáng nay (5/5), Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 9. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có bài phát biểu khai mạc kỳ họp quan trọng.

Chủ tịch Quốc hội: Kỳ họp thứ 9 có ý nghĩa lịch sử, thực hiện đột phá về thể chế- Ảnh 1.

Khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, trong không khí vui mừng của những ngày tháng lịch sử, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vừa tổ chức rất thành công các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và hướng tới kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, hôm nay Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 9 - kỳ họp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nhân dân ta, đất nước ta.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các luật, nghị quyết đã thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 đã và đang phục vụ hiệu quả cho cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, tạo đột phá để phát triển, phát huy mọi nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước theo đúng chủ trương của Đảng.

Chủ tịch Quốc hội: Kỳ họp thứ 9 có ý nghĩa lịch sử, thực hiện đột phá về thể chế- Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Quốc hội sẽ làm việc trong 37 ngày, chia thành 2 đợt, để xem xét, thảo luận và quyết định khối lượng công việc lớn nhất của các kỳ họp Quốc hội từ trước đến nay, với nhiều nội dung đặc biệt quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: lập hiến - lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Về công tác lập hiến, lập pháp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Kỳ họp thứ 9 sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

"Đây là nhiệm vụ mang tính chiến lược cả về chính trị và pháp lý, nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là về sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng "tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát thực tiễn", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội: Kỳ họp thứ 9 có ý nghĩa lịch sử, thực hiện đột phá về thể chế- Ảnh 3.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Để triển khai nhiệm vụ này, Quốc hội sẽ thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 với nhiều đổi mới trong phương pháp và quy trình thực hiện. Đặc biệt là sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của Nhân dân, làm căn cứ để Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Hiến pháp 2013 nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, trình Quốc hội xem xét, thông qua trước ngày 30/6/2025 để kịp thời công bố và có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Với 54 dự án luật, nghị quyết thuộc công tác lập hiến, lập pháp, trong đó Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 34 dự án luật, 14 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 6 dự án luật khác.

Về KT-XH, NSNN, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận và quyết định nhiều vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia; quyết định rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; quyết định ngày bầu cử ĐBQH khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031…

Về giám sát tối cao, Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 9 và Báo cáo của UBTVQH về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Quốc hội sẽ dành 1,5 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, tập trung vào những lĩnh vực gắn bó mật thiết với đời sống Nhân dân và công tác quản lý nhà nước...

Với những nội dung nêu trên, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Kỳ họp thứ 9 là kỳ họp có ý nghĩa lịch sử, thực hiện đột phá về thể chế để bước vào một kỷ nguyên của hiện đại hóa, số hóa, xanh hóa và phát triển bền vững.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ĐBQH vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh trước giờ khai mạc Kỳ họp thứ 9Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ĐBQH vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh trước giờ khai mạc Kỳ họp thứ 9

SKĐS - Sáng nay (5/5), trước giờ khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các ĐBQH đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Lê Bảo - Dương Tú
Ý kiến của bạn