Tiếp tục chương trình làm việc của UBTVQH tại Phiên họp thứ 22, sáng 11/4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, UBTVQH xem xét báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát của Quốc hội về "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng''.
Đoàn giám sát đã triển khai công việc công phu
Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao Đoàn giám sát đã triển khai công việc rất công phu, nỗ lực làm việc với Chính phủ về một số vấn đề lớn của chuyên đề.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về các vấn đề như: dự thảo Nghị quyết đã đạt được yêu cầu đặt ra chưa? Tên Nghị quyết đã phù hợp chưa? Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, một số nội dung trong báo cáo giám sát còn chung chung, chưa đủ rõ, cần sửa đổi để làm rõ vấn đề, quy rõ trách nhiệm một cách cụ thể, rõ ràng cho các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Nhấn mạnh phạm vi giám sát là rất rộng, liên quan đến cả việc huy động, sử dụng, quản lý nguồn lực, thanh quyết toán nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đoàn giám sát lưu ý trình bày rõ hiện trạng thanh quyết toán các nguồn trong và ngoài nước...
Hiện nay, trong báo cáo giám sát chưa làm rõ các thông tin liên quan đến nội dung này, chưa đưa ra địa chỉ cụ thể về các địa phương, cơ quan, đơn vị còn tồn tại, hạn chế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần đánh giá kỹ lưỡng, cung cấp số liệu cụ thể để làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.
Đối với nội dung về nguyên tắc phân định giữa khám, chữa bệnh và y tế dự phòng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị giải trình rõ cơ sở đề xuất sử dụng quỹ BHYT để chi cho y tế dự phòng. Về y tế cơ sở, tình hình phát triển còn nhiều vướng mắc, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần làm rõ trách nhiệm thuộc về ngành y tế hay thuộc về các địa phương, đề xuất mô hình, hệ thống, biên chế của y tế cơ sở ra sao để khắc phục những tồn tại hiện có, từ đó đưa ra định hướng cụ thể để triển khai trên phạm vi cả nước. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị làm rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn của các đề xuất trong Báo cáo giám sát…
Đối với một số đề xuất giải pháp, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, còn thiếu cơ sở chính trị, một số vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoặc các cơ quan khác, một số vấn đề nằm ngoài phạm vi giám sát như: việc sử dụng quỹ BHYT, việc nâng cao chế độ đãi ngộ với nhân viên y tế… sẽ nằm trong các nội dung công việc khác đang triển khai như sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, cải cách tiền lương… Vì vậy, cần rà soát, nghiên cứu lại các đề xuất để đảm bảo cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn đầy đủ, vững chắc, cụ thể, đúng phạm vi giám sát, đúng thẩm quyền.
Bài học huy động nguồn lực đóng vai trò quan trọng
Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, trong dự thảo Nghị quyết đánh giá 6 khuyết điểm, tồn tại về huy động nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, khi bước vào đại dịch COVID-19, nhiều cơ quan đề nghị tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền là không công bố, nhưng thực tế đã áp dụng toàn bộ các biện pháp trong tình trạng khẩn cấp.
Băn khoăn về đánh giá này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần xem xét, đồng thời đề nghị Bộ Y tế, các cơ quan của Chính phủ cho ý kiến thêm đánh giá này. Nếu không sẽ rơi vào tình trạng làm không được thì đổ cho hệ thống pháp luật. Tuy hệ thống pháp luật vẫn còn chưa hoàn thiện, đồng bộ, nhưng chủ yếu vẫn là văn bản dưới luật và sự điều hành cụ thể.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao Đoàn giám sát đã xây dựng báo cáo công phu nhưng cần hệ thống, biên tập lại để làm nổi bật mục tiêu của Đoàn giám sát. Bên cạnh đánh giá việc huy động nguồn lực tài chính cần nhấn mạnh đến nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống COVID-19.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, qua đợt dịch COVID-19 vừa qua cho thấy bài học huy động nguồn lực đóng vai trò quan trọng. Do vậy, cần có kế hoạch đào tạo nhân lực chất lượng cao ở tuyến đầu, có trình độ để định hướng và đưa ra phác đồ điều trị, chủ động phòng chống nếu có dịch bệnh bất ngờ xảy ra. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có đề án, chương trình cụ thể đảm bảo đủ nhân lực ở cơ sở để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh trong tương lai.
Qua đợt dịch vừa qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao vai trò của hệ thống quân dân y kết hợp, nhất là vùng sâu, vùng biên giới đã đóng góp nhiều công sức vào công tác phòng, chống dịch.
Ngoài ra, hệ thống y tế cơ quan, y tế doanh nghiệp tại các khu công nghiệp đóng vai trò quan trọng, cần được bổ sung vào báo cáo, Nghị quyết giám sát. Trong đó, tăng cường xã hội hóa và huy động sự tham gia vào phòng, chống dịch bệnh đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo đủ lao động tham gia sản xuất…
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, nội dung chuyên đề giám sát về "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng" rất đúng và trúng, được dư luận xã hội quan tâm.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ thống nhất với ý kiến phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tại phiên họp. Qua đó đã chỉ ra được những mặt được và chưa được, những vấn đề cần tiếp tục được quan tâm.
Đối với nội dung liên quan đến Nghị quyết số 30/2021/QH15 quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, nội dung Báo cáo cần thể hiện được tinh thần, tầm quan trọng của Nghị quyết này trong công tác phòng, chống dịch vừa qua, đã khắc phục được những lúng túng ở giai đoạn đầu chống dịch ở nước ta như thế nào.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, nội dung, hình thức, phạm vi của Báo cáo là rất rộng. Do vậy, nên rà soát các nội dung để gom lại cho gọn và đảm bảo tính logic. Đồng thời, thống kê rõ ràng, đầy đủ về nguồn ngân sách Trung ương, nguồn ngân sách nước ngoài và nguồn vaccine tại phụ lục của Báo cáo. Đặc biệt, trong Báo cáo này cần phân định rõ, cụ thể, công khai, minh bạch các kiến nghị.