Hà Nội

Chủ tịch nước tiếp tục yêu cầu báo cáo giải quyết vụ án Trung tâm Mắt Bình Thuận trước ngày 10/5

10-04-2012 07:10 | Thời sự
google news

Theo nội dung Công văn số 411/VPCTN-PL, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước đề nghị Chánh án TAND Tối cao; Viện trưởng Viện KSND Tối cao sớm chỉ đạo thực hiện và báo cáo kết quả giải quyết trình Chủ tịch nước trước ngày 10/5/2012.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ngày 26/3/2012, Văn Phòng Chủ tịch nước  đã có Công văn số 411/VPCTN-PL gửi Chánh án TAND Tối cao; Viện trưởng Viện KSND Tối cao về việc giải quyết kiến nghị của GS.TS. Nguyễn Trọng Nhân, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Nhãn khoa Việt Nam về việc BS. Đặng Thị Linh (nguyên Giám đốc Trung tâm Mắt Bình Thuận) bị TAND tỉnh Bình Thuận xét xử phúc thẩm với mức án 7 năm tù giam hiện đang có đơn đề nghị xét xử lại vụ án theo trình tự Giám đốc thẩm vì cho rằng bị oan sai.

Theo nội dung Công văn số 411/VPCTN-PL, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước đề nghị Chánh án TAND Tối cao; Viện trưởng Viện KSND Tối cao sớm chỉ đạo thực hiện và báo cáo kết quả giải quyết trình Chủ tịch nước trước ngày 10/5/2012.
 
Trước đó, ngày 17/11/2011, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước cũng đã có Công văn số 1064/VPCTN-PL gửi Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao truyền đạt ý kiến của Chủ tịch nước giải quyết vụ việc trên. Theo Công văn số 1064/VPCTN-PL, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước chuyển đến Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao ý kiến của đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng gửi Chủ tịch nước ngày 3/11/2011.
 
Nội dung ý kiến của đồng chí Lê Khả Phiêu đề cập đến vụ án tại Trung tâm Mắt tỉnh Bình Thuận. Vụ án này TAND thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận xét xử sơ thẩm và TAND tỉnh Bình Thuận xét xử phúc thẩm 2 bị cáo Đặng Thị Linh và Nguyễn Thị Thu Nguyệt về tội “tham ô tài sản”, trong đó đã tuyên phạt bị cáo Đặng Thị Linh 7 năm tù giam. Bà Đặng Thị Linh cho rằng mình bị oan sai và đề nghị xét xử lại bản án theo trình tự Giám đốc thẩm.
 
Văn phòng Chủ tịch nước đã chuyển đến Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao để chỉ đạo kiểm tra, xem xét và giải quyết theo thẩm quyền, trả lời đương sự và báo cáo kết quả giải quyết trình Chủ tịch nước. Mặc dù ngày 8/11/2011, Viện KSND Tối cao có Công văn số 18/VKSTC-V3 gửi TAND tỉnh Bình Thuận yêu cầu chuyển hồ sơ vụ án Đặng Thị Linh, Nguyễn Thị Thu Nguyệt phạm tội tham ô tài sản. Án phúc thẩm số 143/2011/HSPT ngày 5 - 13/10/2011 của TAND tỉnh Bình Thuận để VKSND Tối cao có tài liệu nghiên cứu vụ án theo thủ tục Giám đốc thẩm,  nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
 
Liên quan đến vụ án xét xử “tham ô” tại Trung tâm Mắt Bình Thuận, liên tiếp trong các số báo từ ngày 12/7 - 15/11/2011, SK&ĐS đã có loạt bài phản ánh vụ án đã gây bức xúc trong dư luận. Tại 3 phiên tòa phúc thẩm, đã nhiều lần luật sư Trần Hải Đức, Đoàn luật sư TP.HCM đã nêu ra 6 vi phạm nghiêm trọng về mặt tố tụng của tòa sơ thẩm TP. Phan Thiết. Đáng chú ý nhất, đó chính là vi phạm về quyết định ủy quyền công tố sai pháp luật dẫn đến một câu hỏi lớn về giá trị pháp lý của bản án sơ thẩm.
 
Theo đó, quyết định ủy quyền thực hiện quyền công tố số 08/QĐ/KSĐT/VKS-P1 ngày 14/4/2011 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận, ủy quyền cho Viện Kiểm sát nhân dân TP. Phan Thiết thực hành quyền công tố nhà nước tại phiên tòa sơ thẩm là không có giá trị pháp lý vì quyết định nói trên căn cứ vào Điểm 4, Mục II Thông tư số 02/TTLN ngày 12/01/1989 của TANDTC - VKSNDTC - Bộ Nội vụ đã hết hiệu lực thi hành từ năm 2007 (theo Quyết định số 241 của Bộ Tư pháp ngày 12/02/2007). Từ đó dẫn đến việc quyết định phân công kiểm sát viên tham gia phiên tòa xét xử về hình sự của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Phan Thiết cũng sai vì đã căn cứ vào một nội dung thông tư đã hết hiệu lực thi hành.
 
 Loạt bài về vụ án TT Mắt Bình Thuận trên báo SK&ĐS và Công văn của Văn phòng Chủ tịch nước yêu cầu giải quyết vụ án.
Không dừng lại ở đó, việc không thông báo và tống đạt kháng nghị phúc thẩm của Viện Kiểm sát TP. Phan Thiết cho các bị cáo và những người tham gia tố tụng (trong thời gian 7 ngày kể từ ngày nhận được kháng nghị) đã vô hình trung tước đoạt quyền lợi hợp pháp của các bị cáo trong vụ án hình sự (được quyền gửi văn bản nêu ý kiến về nội dung kháng nghị cho tòa phúc thẩm và ý kiến này phải được đưa vào hồ sơ vụ án (theo Điều 236 Bộ luật Tố tụng hình sự). Việc Hội đồng xét xử giải quyết kháng nghị phúc thẩm mà không thông báo cho những người tham gia tố tụng và không đọc trước tòa là hoàn toàn trái pháp luật.

Sau loạt bài của báo SK&ĐS, ngày 11/11/2011, Ủy ban Tư pháp Quốc hội cũng đã có Công văn số 215/UBTP13 gửi đồng chí Chánh án TAND Tối cao, đồng chí Viện trưởng Viện KSND Tối cao yêu cầu báo cáo bằng văn bản việc giải quyết vụ án nêu trên trước ngày 20/12/2011.

Cũng liên quan đến vụ án xét xử “tham ô” tại Trung tâm Mắt Bình Thuận, Đoàn Chủ tịch, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã có Công văn số 82/ĐCT-CSLP do Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Thị Kim Thúy ký gửi đồng chí Chánh án TAND Tối cao, đồng chí Viện trưởng VKSND Tối cao. Nội dung công văn đề nghị xem xét giải quyết theo thẩm quyền sau khi nhận được đơn của bà Đặng Thị Linh khiếu nại bản án hình sự phúc thẩm số 143/2011/HSPT ngày 5-13/10/2011 của TAND tỉnh Bình Thuận về tham ô tài sản.  

Thành Thu


Ý kiến của bạn