Thông tin tại Hội nghị Nhi khoa toàn quốc lần thứ 24 với chủ đề "Công bằng và chất lượng trong chăm sóc sức khỏe trẻ em Việt Nam" diễn ra ngày 26/11, PGS.TS Trần Minh Điển – Giám đốc Bệnh viện Nhi TW- tân Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam cho biết, Việt Nam đã đáp ứng điều trị những bệnh mới nổi ở trẻ em.
Điều này thể hiện qua việc chúng tôi đã thường xuyên kết nối, trao đổi và hỗ trợ lẫn nhau. Các bệnh viện nhi, sản nhi làm chủ nhiều kỹ thuật nội khoa phục vụ chủ yếu cho công tác Hồi sức Cấp cứu: Thở máy, lọc máu, chăm sóc thiết yếu sơ sinh, nhóm bệnh nhiễm trùng, nhóm bệnh thở máy giai đoạn di chứng, kỹ thuật ngoại khoa tiếp cận một số cấp cứu, dị tật thường gặp ở trẻ em.
Các bệnh viện nhi tuyến cuối đã tiếp cận các quy trình kỹ thuật theo hướng chuyên sâu theo từng nhóm bệnh: Thần kinh. Tim mạch, Tiêu hóa, Gan mật, Miễn dịch,... Cách thức làm việc nhóm, kết hợp nội-ngoại-labo-chẩn đoán hình ảnh đáp ứng tốt cho cả nhóm bệnh truyền thống và bệnh mạn tính, bẩm sinh...
Có tình trạng khoảng trống miễn dịch của trẻ sau đại dịch COVID-19
Giám đốc Bệnh viện Nhi TW cũng cho biết trong chuyên ngành nhi khoa thời gian qua đã có những cố gắng rất lớn, đã giảm được tỷ lệ tử vong cho trẻ em dưới 1 tuổi cũng như trẻ em dưới 5 tuổi và theo được mục tiêu thiên niên kỷ.
Tuy nhiên trước tình hình mô hình bệnh không lây nhiễm gia tăng cần tập trung để kiểm soát con số về mắc bệnh và bệnh tử vong ở trẻ em Việt Nam; đồng thời cần ứng phó bệnh truyền nhiễm tái bùng phát, bệnh mới nổi có nguy cơ xâm nhập.
Gánh nặng bệnh tật phân bố khác nhau đối với các nhóm tuổi khác nhau. Đối với những trẻ từ 0-27 ngày tuổi, những bệnh liên quan đến thai kỳ, nhiễm khuẩn huyết sơ sinh gây ra số ca tử vong hàng đầu ở trẻ nhóm tuổi này. Nhóm tuổi từ 1 tháng - 1 tuổi, gánh nặng hàng đầu là nhiễm khuẩn hô hấp dưới và bệnh tim bẩm sinh. Nhóm tuổi từ 1 - 4 tuổi chủ yếu gánh nặng bệnh tật liên quan đến đuối nước và bệnh nhiễm khuẩn hô hấp dưới. Nhóm trẻ lớn, vị thành viên bị tác động nhiều bởi các bệnh không lây nhiễm.
Cùng đó sau đại dịch COVID-19 cũng cho thấy nhiều trẻ đối diện với hàng loạt vấn đề tâm lý, tình trạng của trẻ mắc bệnh mạn tính trầm trọng hơn do hạn chế tiếp cận dịch vụ y tế trong và sau dịch.
"Có tình trạng khoảng trống miễn dịch do vậy tình trạng bệnh của trẻ tăng lên, đơn giản như cúm A – B tăng nhanh hơn so với các năm trước, bệnh Adenovirus cũng tăng nhanh chóng cả về ca nặng và tử vong rồi các dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, sởi… cũng cần xem xét kỹ nguy cơ để chuẩn bị và thích ứng tốt với tình hình hiện nay.
Số trẻ bị hội chứng viêm đa hệ thống liên quan tới COVID-19 ở trẻ em (MIS-C) cũng tăng, được so sánh như là gánh nặng tương tự suy hô hấp giai đoạn cấp ở người lớn mắc COVID-19"- PGS.TS Trần Minh Điển dẫn chứng.
Liên thông hệ thống tuyến khám chữa bệnh nhi khoa theo từng khu vực: Giải pháp cần thực hiện ở giai đoạn hiện nay
Hiện nay các thống kê chính thức cho số cán bộ y tế làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhi khoa chưa đầy đủ.
Theo các báo cáo khu vực phía Bắc, 327 bệnh viện từ tuyến huyện trở lên có khoảng 1.788 bác sĩ làm việc trong lĩnh vực nhi khoa, bình quân cứ 10.000 trẻ thì chỉ có 2 bác sĩ chăm sóc. Tỷ lệ này ở điều dưỡng là 3,2 điều dưỡng/10.000 trẻ. Số liệu tại TP Hồ Chí Minh hiện có 1452 bác sĩ (656 bác sĩ đa khoa) phục vụ chăm sóc sức khỏe trẻ em, tỷ lệ 9,6 bác sĩ/10.000 trẻ em. Tỷ lệ điều dưỡng nhi là 9,5/10.000 trẻ em.
"Với mô hình bệnh hiện tại và nguồn lực hiện nay của hệ thống nhi khoa Việt Nam, về cơ bản chúng ta có thể đảm bảo được các hoạt động chăm sóc và điều trị tất cả các bệnh ở trẻ em. Tuy nhiên khía cạnh riêng lẻ cho từng vùng miền, khu vực, từng bệnh viện lại là vấn đề cần quan tâm"- tân Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam nói.
Theo đó, cần tăng cường đặc biệt là số lượng và chất lượng nhân lực nhi khoa để đáp ứng với những thay đổi về bệnh và nhóm bệnh. Giải pháp liên thông hệ thống tuyến khám chữa bệnh nhi khoa theo từng khu vực sẽ là một giải pháp cần thực hiện ở giai đoạn này.
Các cơ sở y tế có thể tiến tới thỏa thuận hợp tác chia sẻ nhân lực chất lượng cao, đào tạo và chuyển giao các kỹ thuật cơ bản, chuyên sâu tùy theo năng lực tiếp nhận của các tuyến. Với mỗi bệnh viện tích cực chủ động rà soát nguồn lực sẵn có đảm bảo khám chữa bệnh thích hợp với mô hình bệnh.
Tiến hành các đánh giá nghiên cứu mô hình bệnh tật cho từng vùng miền nhóm tuổi, đặc biệt nhóm bệnh cấp cứu hồi sức và mô hình bệnh chuyển tuyến. Từ đó làm căn cứ xây dựng các phối hợp chuyển tuyến hay điều trị phù hợp.
Ứng dụng các công nghệ 4.0 vào khám chữa bệnh: hồi sức cấp cứu di động, hội chẩn và điều trị dựa vào telehealth nhằm giúp các bệnh viện tuyến dưới vừa nâng cao trình độ và nâng cao hiệu quả điều trị kịp thời cho bệnh nhân.
Cần có cơ sở dữ liệu về hệ thống nhi khoa trên toàn quốc (mô hình bệnh tật, mô hình chuyển tuyến, nhân lực, giường bệnh, trang thiết bị, hiệu quả điều trị...) nhằm kết nối thành hệ thống chung giúp xây dựng chiến lược phát triển tổng thể, chính sách ưu tiên cho từng vùng, miền, khu vực...
Hội nghị Nhi khoa Toàn quốc lần thứ 24 có sự tham gia của 1.000 chuyên gia nhi khoa trong nước và quốc tế. Đây là dịp để các chuyên gia, các nhà khoa học, y bác sĩ gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm cũng như chia sẻ, cập nhật những thành tựu, tiến bộ trong điều trị, nghiên cứu, phát triển kỹ thuật cao, góp phần chăm sóc sức khỏe toàn diện cho trẻ em và xây dựng nền y học Việt Nam ngày càng phát triển.
Là nơi các bác sĩ chia sẻ, cập nhật những thành tựu nghiên cứu, phát triển kỹ thuật cao trong chăm sóc, điều trị và xử trí các bệnh cho trẻ.
Hơn 300 báo cáo khoa học tập trung vào các vấn đề như là mô hình bệnh tật trẻ em, công bằng trong chăm sóc sức khoẻ, các bệnh truyền nhiễm và không lây nhiễm của trẻ em, ứng dụng công nghệ mới trong điều trị nhi khoa.
Hội nghị bao gồm các phiên đào tạo tiền hội nghị, phiên tổng quan và phiên chuyên ngành với nhiều chủ đề có tính thời sự và thực tiễn cao như: COVID-19 và hậu COVID-19; Hồi sức cấp cứu; Thần kinh; Tim mạch; Nội tiết – Chuyển hoá – Di truyền; Tiêu hoá – Gan mật.