Vụ việc một cô giáo ở Quảng Bình yêu cầu 23 bạn học sinh trong lớp 6.2 tát bạn 230 cái tát để phạt còn chưa kịp lắng xuống thì mới đây ngay tại Trường tiểu học Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội lại xảy ra một vụ việc đau lòng, gây phẫn nộ trong dư luận. Chỉ vì học sinh nói bậy, cô giáo chủ nhiệm lớp 2A của Trường tiểu học Quang Trung đã yêu cầu một bạn học sinh cùng lớp tát bạn 50 cái. Khi bị tát đến cái thứ 20, em học sinh bật khóc nên cô giáo cho dừng hình phạt.
Trả lời phóng viên báo Sức khỏe &Đời sống, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa cho rằng hành động này của cô giáo thể hiện sự bất lực của cô trong giáo dục. “Không thể lấy bất cứ lý do gì để biện minh cho hành động bạo lực với học sinh, nhất là đây lại là một cô giáo”.
Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa
Nguyên nhân nào dẫn đến những hành vi ứng xử không đúng của những giáo viên kể trên, bà Hòa cho biết, có thể những người bạo hành trẻ có suy nghĩ họ không trực tiếp tham gia vụ việc, họ cho rằng họ “vô can”. Nhưng như vậy hoàn toàn không đúng. Chứng kiến các vụ bạo hành trẻ mà không có tiếng nói để bảo vệ trẻ là việc làm không thể chấp nhận được, bà Hòa nhấn mạnh.
Hành động sai trẻ tát bạn là "không thể chấp nhận được"
Những vụ việc gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng bạo lực đối với trẻ em tại chính những nơi đang dạy dỗ, giáo dục con người. Bà Hòa cho rằng, cách hành xử của cô giáo này sẽ gieo vào lòng trẻ một ý thức xấu, vô tình dạy trẻ quyền được bạo hành người khác, điều này còn nguy hiểm hơn. Những hành động này không nên xuất hiện ở môi trường học đường. Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam còn nói, cô giáo này là một giáo viên đứng lớp, là người đã được giáo dục, đào tạo để dạy dỗ học sinh mà lại có những hành động, yêu cầu không xứng với người làm giáo dục.
Sau vụ việc cô giáo ở Quảng Bình yêu cầu học sinh lớp 6 tát bạn 230 cái khiến dư luận bức xúc, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã có văn bản kiến nghị gửi tới Bộ Giáo Dục và Đào tạo.
Có nhiều cách hành xử mà một giáo viên được đào tạo về giáo dục có thể thực hiện mà không phải sử dụng bạo lực. Bà Hòa lấy ví dụ, nếu trẻ hư, có những hành vi không đúng, gây ảnh hưởng tới lớp học, cô giáo có thể thực hiện hình thức như cho các trẻ cùng thảo luận, để đưa ra phương hướng giải quyết, để trẻ rút kinh nghiệm, hướng trẻ tới những hành vi đúng, cách làm này vừa bảo vệ trẻ vừa đảm bảo quyền tham gia của trẻ em.
Trường tiểu học Quang Trung nơi xảy ra vu cô giáo sai học sinh tát bạn
Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam kêu gọi các thầy cô cần nhận thức đúng vai trò và trách nhiệm của mình trong giáo dục trẻ, cần nâng cao ý thức đạo đức nhà giáo, ngay từ các trường đào tạo những thầy cô tương lai.
Vụ việc cô giáo lớp 2 sai học sinh tát bạn đã khiến dư luận phẫn nộ, ngay sau khi sự việc xảy ra, cô giáo đã bị đình chỉ đứng lớp, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) gửi văn bản tới Sở Giáo dục Hà Nội yêu cầu xác minh thông tin báo chí phản ánh việc cô giáo trường Quang Trung cho học sinh lớp 2 tát bạn vì nói bậy. Báo cáo kết quả xác minh và tình hình xử lý sự việc gửi về Cục. UBND quận Đống Đa quyết định thành lập đoàn thanh tra để xác minh một cách đầy đủ. Kết quả sẽ được thông báo sau khi có thông tin của đoàn thanh tra quận.
Sáng 6/12, tại trường Tiểu học Quang Trung (quận Đống Đa, TP. Hà Nội) đã diễn ra buổi thông tin báo chí về vụ việc gây xôn xao dư luận gần 2 ngày qua.