Hà Nội

Chủ tịch Hồ Chí Minh và mối thân tình Việt Nam - Ấn Độ

19-05-2020 16:13 | Quốc tế
google news

SKĐS - Nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020), báo The Times of India (Ấn Ðộ) đã đăng tải bài viết ca ngợi vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam và công sức của Người trong việc thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Ấn Ðộ. Báo Sức khỏe & Ðời sống trích đăng bài viết này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhân vật huyền thoại của Việt Nam,  đóng vai trò then chốt cho nền độc lập Việt Nam và sự thống nhất của đất nước. Người có những đóng góp đáng chú ý trong việc phát triển mối quan hệ chặt chẽ giữa Ấn Độ và Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người luôn khao khát tìm kiếm kiến thức để có thể giải phóng người dân tại đất nước của Người ra khỏi ách thống trị thực dân. Năm 1923, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với nhà cách mạng Ấn Độ M N Roy, làm việc cho Hiệp hội Các dân tộc bị áp bức tại châu Á có trụ sở tại Mátxcơva, Nga. Đây là dấu mốc lịch sử đánh dấu sự sẻ chia giữa Việt Nam - Ấn Độ trong cuộc đấu tranh chung để giải phóng khỏi sự thống trị của thực dân và giành độc lập dân tộc.

Các nhà lãnh đạo Ấn Độ đón chào Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Ấn Độ năm 1958.

Các nhà lãnh đạo Ấn Độ đón chào Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Ấn Độ năm 1958.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là một nhà lý luận, vừa là một nhà thực tiễn. Người nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự tham gia của quần chúng và liên minh công - nông để đạt được mục tiêu cách mạng. Những tư tưởng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được nêu ra trong kiệt tác “Đường kách mệnh”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã áp dụng một cách sáng tạo cuộc chiến tranh cách mạng theo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã nghiên cứu  phong trào cách mạng Ấn Độ, đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập quan hệ chặt chẽ giữa Việt Nam - Ấn Độ. Điều thú vị là cả Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà lãnh đạo Mahatma Gandhi đều được coi là “Cha già dân tộc”.

Cuộc gặp gỡ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Jawaharlal Nehru - Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ - đã đặt nền tảng cho mối quan hệ chính thức giữa hai nước. Ông Nehru đến thăm Việt Nam sau chiến thắng chống thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ vào năm 1954. Ông Nehru, trong ghi chú du lịch của mình, đã viết rằng ông rất ấn tượng với Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Đó là một người cương trực, thẳng thắn lạ thường và đáng mến” - trích bản ghi của Thủ tướng Nehru. Trong cuộc họp, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tình hình mới nổi. Bác Hồ đã thảo luận về sự liên kết của Ấn Độ với Khối thịnh vượng và bày tỏ sự quan tâm muốn liên kết với Liên minh Pháp với điều kiện đất nước của ông độc lập hoàn toàn. Thủ tướng Nehru cho hay,  theo quan sát của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đàn ông của hòa bình và thiện chí. Ấn tượng đó đã đặt nền tảng cho tình bạn giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Nehru thông qua các chuyến thăm và liên lạc tình nghĩa, vượt ra ngoài các nghi thức ngoại giao.

Chủ tịch Hồ Chí Minh có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ kéo dài 11 ngày vào tháng 2/1958. Sự chào đón nồng nhiệt và thân tình của đất nước Ấn Độ dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt chuyến thăm đã phản ánh sự quan tâm sâu sắc mà Ấn Độ dành cho Việt Nam cũng như đối với cá nhân Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thủ tướng Nehru đã chào đón và ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng vĩ đại và một vị anh hùng “huyền thoại”. Trong chuyến thăm của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn tiếp xúc với nhiều người dân Ấn Độ, sự giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại ấn tượng đặc biệt với người dân.

Năm 1959, Tổng thống đầu tiên của Ấn Độ Rajendra Prasad đã tới thăm Việt Nam, theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giờ đây, bên cạnh quan hệ chính trị, người ta nhấn mạnh vào mối quan hệ văn hóa giữa hai nước. Tổng thống Rajendra Prasad đã cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng một cây bồ đề - biểu tượng của sự giác ngộ theo Phật giáo - tại chùa Trấn Quốc. Mối quan hệ văn hóa được xây dựng từ đó, là nền tảng cho mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước. Từ thời điểm này, quan hệ Ấn Độ - Việt Nam vô cùng tốt đẹp. Lúc này, Ấn Độ - với tư cách là thành viên của Ủy ban Kiểm soát và Giám sát quốc tế đối với Việt Nam (ICC) - đã bày tỏ sự lo ngại về cuộc không kích tại miền Bắc Việt Nam vào tháng 2/1965. Năm 1966, nhà lãnh đạo Ấn Độ Indira Gandhi kêu gọi chấm dứt ngay các vụ đánh bom miền Bắc Việt Nam và giải quyết xung đột Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định Geneve. Ấn Độ coi Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo rất quan trọng của  thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật  đáng chú ý nhất  của thời đại, có sức lan tỏa vượt ra khỏi biên giới Việt Nam. Người đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng những “cây cầu hữu nghị” và kết nối người dân Ấn Độ và Việt Nam. Đây chính là món quà vô giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho nhân dân Ấn Độ và Việt Nam.


Hà Anh
Ý kiến của bạn