Hà Nội

Chủ tịch Hà Nội đề xuất hạn chế phương tiện giao thông cá nhân

28-12-2015 11:11 | Thời sự
google news

Ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề xuất Thủ tướng việc có phương án, lộ trình hạn chế phương tiện giao thông để tránh quá tải.

Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương sáng 28/12, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: bình quân hàng tháng, Hà Nội có đăng ký mới 18.000- 22.000 xe máy, 6.000-8.000 xe ô tô. Với tốc độ này, chưa tính đến 2018 các dòng thuế liên quan đến ô tô được miễn giảm sẽ tăng lên, đến 2020, Hà Nội sẽ có gần 1 triệu ô tô, chưa kể ô tô của các lực lượng vũ trang và các tỉnh vào Hà Nội và sẽ có 7 triệu xe máy. Hà Nội đề xuất với Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành trung ương phối hợp với TP Hà Nội xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, giảm ùn tắc giao thông.


“Chỉ cần với tốc độ như hiện nay nếu không có ngay giải pháp thì 4-5 năm nữa vấn đề giao thông phức tạp” – lãnh đạo TP Hà Nội nhấn mạnh.

Thứ hai, Chủ tịch TP Hà Nội đề nghị Chính phủ rà soát, phê duyệt qui hoạch thoát lũ; qui hoạch hệ thống đê điều sông Hồng và sông Thái Bình để các địa phương căn cứ quản lý theo qui hoạch và khai thác các vùng đất ngoài đê.

Hiện nay, qua thống kê, dân ở ngoài đê thuộc quận Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên có khoảng 35 vạn. Do vướng Luật Đê điều nên toàn bộ các công trình hạ tầng liên quan trường học, y tế… ở ngoài đê không thể xây dựng được. Bộ trưởng NN-PTNT đã trực tiếp xuống các vùng này, đề nghị Chính phủ sớm có qui định để giúp các vùng này của Hà Nội và các tỉnh ven sông Hồng xây dựng công trình an sinh xã hội cho người dân.

Trong phần báo cáo, đánh giá về nhiệm vụ công tác năm 2015, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, TP HN cũng nhận thấy cũng còn một số hạn chế là hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN còn gặp khó khăn, có những việc liên quan đến thủ tục, hành chính chưa được tháo gỡ kịp thời. Quản lý đô thị tuy có chuyển biến nhưng còn xảy ra những vụ việc gây bức xúc trong dư luận như xây dựng trái phép, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, cải cách hành chính nhất là phân cấp quản lý, xác định trách nhiệm của các cơ quan liên quan còn hạn chế…


Ý kiến của bạn