Chu sa (thần sa) - Lưu ý khi bào chế và sử dụng

SKĐS - Chu sa, thần sa còn có tên đơn sa, châu sa (cinnabaris), đều là một loại khoáng vật, có thành phần hóa học giống nhau là HgS (sulphua thủy ngân).

Chu sa có nguồn gốc từ tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc (trước đây có tên là Châu Thần), do đó gọi là thần sa. Chúng có mặt trong rất nhiều phương thuốc cổ truyền, tuy nhiên, việc bào chế và sử dụng phải hết sức cẩn trọng, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Chu sa (thần sa) đều có màu đỏ. Chu sa là bột màu đỏ, còn thần sa thường là các cục hình khối óng ánh, màu đỏ tối hay nâu hồng, to nhỏ không đều. Trong thành phần chu sa (thần sa) nguyên chất, Hg chiếm 86,2%, S chiếm 13,8%.

Tác dụng dược lý: chu sa (thần sa)  uống có tác dụng gây trấn tĩnh, gây ngủ. Dùng ngoài có tác dụng sát khuẩn và ức chế sự sinh trưởng của vi khuẩn. Còn có tác dụng  giải độc, chống  loét. Theo Đông y, chu sa (thần sa) vị ngọt, tính hơi hàn, có độc. Quy kinh Tâm, với công năng thanh tâm, trấn kinh, an thần, giải độc. Trị chứng tim loạn nhịp, mất ngủ, ngủ mơ nhiều. Còn dùng trị chứng điên giản, phát cuồng, trẻ con kinh phong, co giật; hoặc trẻ em hay khóc đêm, phối hợp với hắc táo nhân, nhũ hương dưới dạng bột mịn. Riêng chu sa phải được chế biến bằng phương pháp thủy phi; có thể uống với nước hoặc với rượu. Nếu bị hoa mắt, chóng mặt, phối hợp chu sa với thần khúc, từ thạch. Liều dùng chung 0,3-1,5g.

Chu sa (thần sa) có mặt trong nhiều phương thuốc cổ truyền nhưng khi bào chế và sử dụng phải hết sức cẩn trọng.

Chu sa (thần sa) có mặt trong nhiều phương thuốc cổ truyền nhưng khi bào chế và sử dụng phải hết sức cẩn trọng.

Bào chế chu sa theo phương pháp thủy phi: cho chu sa vào bát sứ hay cối sứ, thêm nước sạch (để không tăng nhiệt độ) khi nghiền. Dùng chày nghiền kỹ gạn lấy dịch màu đỏ gạch. Làm nhiều lần đến khi hết dịch màu đỏ, còn lại là những cặn sắt tròn và nhẵn, cần loại bỏ. Gộp toàn bộ dịch chiết, cho vào dụng cụ bằng sứ hay thủy tinh. Để lắng nhiều giờ, gạn bỏ nước trong phía trên. Làm vài lần như vậy, để rửa sạch bột mịn. Lần sau cùng, gạn nước, đổ bột ra khay men hay mâm nhôm, để bay hơi nước, phơi trong bóng râm. Khi bay hết nước, ta được bột chu sa, có thể dùng uống. Bột chu sa (thần sa) có thể dùng để bào chế thuốc bột, thuốc hoàn hay dùng để uống với thuốc sắc.

Nếu sắc, đem toàn bộ các vị thuốc trong phương (trừ chu sa - thần sa) sắc 2 lần, mỗi lần đun sôi 1 giờ. Gộp dịch thuốc sắc chia 2-3 lần uống trong ngày. Đồng thời cũng chia đều bột chu sa cho các lần uống (quấy đều bột chu sa trước khi uống).

Một số phương thuốc có chu sa (thần sa):

Trị chứng suy nhược thần kinh, tinh thần bứt rứt, khó ngủ, tim hồi hộp:

Bột chu sa (thần sa) 1g, tim lợn 1 quả. Cho thần sa vào giữa tim lợn, hấp chín, ăn mỗi ngày 1 quả.

Hoặc: chu sa 4g, hoàng liên 6g; sinh địa, đương quy, chích cam thảo mỗi vị 2g. Bào chế dạng hoàn, mỗi lần uống 3-4g, ngày 2 lần với nước ấm.

Trẻ em sốt cao, co giật, hôn mê nói sảng: ngưu hoàng 1g, chu sa 6g, sinh hoàng liên 15g; hoàng cầm, sơn chi tử mỗi vị 12g; uất kim 8g. Bào chế dạng hoàn, mỗi lần uống 1-3g với nước thang đăng tâm thảo.

Mất ngủ (khó ngủ buồn bực, nóng hai bàn chân tay, tai ù, rêu lưỡi đỏ): chu sa 4g, nhân sâm 7g; huyền sâm, cát cánh mỗi vị 9g; bá tử nhân 8g; bạch linh, viễn chí (chế), thiên môn đông, sinh địa, đan sâm, đương quy, hắc táo nhân mỗi vị 10g; ngũ vị tử 5g, hoàng liên 6g, cam thảo 3g. Bào chế dạng hoàn. Mỗi lần uống 3-4g, ngày 2 lần với nước ấm.

Giải đậu độc lúc sắp mọc: bột chu sa 1g hòa mật ong uống.

Trị di tinh: bột chu sa 1-2g, cho vào quả tim lợn, nấu hoặc chưng cách thủy, ăn mỗi tối trước khi đi ngủ.

Trị  miệng bị lở loét, họng sưng, mụn nhọt sưng thũng: chu sa 5g, mang tiêu 50g uống bột với nước sôi để nguội.

Tại sao không sắc chu sa (thần sa) chung với các vị thuốc  trong phương?

Chu sa (thần sa) có thành phần chính là HgS. Dưới tác dụng của nhiệt độ, chu sa bị phân hủy, giải phóng ra thủy ngân Hg (nguyên tố) và SO2. Thủy ngân nguyên tố là chất cực độc, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.

Trong thành phần của chu sa còn có nhiều chất sắt. Nếu đun chung với các vị thuốc, các chất tanin có trong các vị thuốc sẽ kết hợp với sắt tạo thành các muối tanat sắt bám dính vào bề mặt của khối chu sa (thần sa) làm vô hiệu hóa chu sa (thần sa), đồng thời cản trở việc chiết tách các hoạt chất của các vị thuốc trong phương. Ngoài việc giảm tác dụng của phương thuốc còn gây độc cho người bệnh. Không những không chữa được bệnh còn nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Nếu nhẹ thì răng, lợi bị sưng thũng, ăn không ngon, đau bụng, tiêu chảy. Nếu nặng, chân tay run giật, suy giảm tình dục hoặc ảnh hưởng đến chức năng gan, thận.

Lưu ý: Không nên uống dài ngày hay dùng quá liều để tránh bị nhiễm độc. Những người có chức năng gan, thận kém dùng hết sức thận trọng vì thuốc có thể làm bệnh nặng thêm.


GS.TS. PHẠM XUÂN SINH
Ý kiến của bạn