Hà Nội

Chủ quyền quốc gia quý hơn vàng!

25-05-2014 21:18 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - “Quý như vàng” là một thành ngữ so sánh lấy “vàng” làm đơn vị tính nhưng vàng liệu có còn khi chủ quyền đất nước bị xâm phạm?

“Quý như vàng” là một thành ngữ so sánh lấy “vàng” làm đơn vị tính nhưng vàng liệu có còn khi chủ quyền đất nước bị xâm phạm?

Kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-  981 vào vùng biển của Việt Nam đến nay, lòng dân trên cả nước như gắn kết chặt hơn trước hành động ngang ngược này. Điều này không thể có thứ vàng nào mua được bởi chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là thiêng thiêng, bất khả xâm phạm. Cho đến nay, dù Trung Quốc vẫn duy trì và tăng số tàu nhằm uy hiếp lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam nhưng những người con nước Việt trong lực lượng chấp pháp vẫn kiên trì bám trụ, xua đuổi giàn khoan và các loại tàu Trung Quốc ra khỏi vùng biển nước mình bằng phương pháp kêu gọi hòa bình. Bên cạnh lực lượng chấp pháp, ngư dân ta cũng tấp nập ra khơi mặc cho tàu cá Trung Quốc dùng tàu cá vỏ sắt lớn hơn đâm húc, chưa kể có những hành động như cướp ngư cụ, hải sản bắt được hoặc phá hệ thống định vị, thậm chí nhảy sang tàu của bà con, hành hung đánh đập. Những thiệt hại có thể quy ra rất nhiều cây vàng, nhưng lớn hơn vàng là ngư trường truyền thống bị cướp, chủ quyền đất nước bị đe dọa.

Vừa ăn cướp, vừa la làng, trước thái độ nhẫn nhịn của chúng ta, không những Trung Quốc đã không đáp ứng mà còn đưa ra những luận điệu vô lý và sai trái, song Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ta luôn khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý và lịch sử để chứng minh chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa...

Với “4 tốt” và “16 chữ vàng”, Trung Quốc thường núp sau đó để lấn dần từng bước và chính họ đã đơn phương vứt bỏ “tốt” và “vàng”! Dân tộc ta với truyền thống hòa bình hữu nghị, luôn kiềm chế nhưng cũng hiểu rằng không thể đổi hòa bình hữu nghị bằng bất cứ giá nào bởi chủ quyền quốc gia không thể bị đánh đổi. Đúng như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định khi trả lời phóng viên quốc tế nhân chuyến thăm và làm việc tại Philippines từ 21-22/5: Việt Nam sẽ không sử dụng biện pháp quân sự để giải quyết căng thẳng trên biển Đông hiện nay; song, Việt Nam cũng không chấp nhận đánh đổi chủ quyền lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó.

Rất thẳng thắn và trung thực, Bộ Ngoại giao ta đã đưa hình ảnh, clip tàu Trung Quốc tấn công tàu chấp pháp của Việt Nam trên biển để minh chứng cho việc Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Về khoa học và pháp lý của Việt Nam đối với chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng được Bộ Ngoại giao đưa ra đầy thuyết phục những chứng cớ dựa trên lịch sử và công ước quốc tế khi ngay từ thế kỷ 17, dân tộc Việt Nam đã xác lập chủ quyền của mình với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách hoà bình, liên tục.

Thời đại văn minh không thể chấp nhận việc mạnh bắt nạt yếu khi mà năm 1974, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (khi đó do chính quyền Sài Gòn quản lý). Lương tri nhân loại khẳng định xâm lược không sinh ra chủ quyền. Thậm chí Trung Quốc trong một văn bản chính thức cũng đã khẳng định nguyên tắc này. Trên thế giới không quốc gia nào công nhận chủ quyền của Trung Quốc với Hoàng Sa ngoài việc Trung Quốc tự vẽ đường lưỡi bò liếm đến 90% diện tích biển Đông.

Giờ này đây, ngoài khơi xa, những người con nước Việt dù là ngư dân hay nhân viên trên các tàu chấp pháp đang từng giờ, từng ngày cưỡi trên sóng dữ, đấu trí, đấu sức với cả đàn tàu các loại của Trung Quốc đang cố tình đe dọa hoặc sắp đặt trò vu cáo với một quyết tâm gìn giữ chủ quyền, tránh can qua cho cả hai dân tộc.

Bạn, tôi, và tất cả chúng ta nghĩ gì và phải làm gì khi chủ quyền quốc gia đang bị xâm phạm trắng trợn?

Lê Quý


Ý kiến của bạn