Hà Nội

Chủ quyền biển đảo: Không thể bứt quê hương khỏi con người

19-01-2014 11:28 | Thời sự
google news

SKĐS - Thử đặt mình vào trong môi trường đa quốc tịch, khi mọi thông tin thừa mứa và sẵn có, điều gì làm nên sự đặc biệt của mỗi cá nhân, khiến bạn trở nên khác biệt và được tôn trọng? Có thể là bạn đẹp, bạn thông minh tài giỏi?

Thử đặt mình vào trong môi trường đa quốc tịch, khi mọi thông tin thừa mứa và sẵn có, điều gì làm nên sự đặc biệt của mỗi cá nhân, khiến bạn trở nên khác biệt và được tôn trọng? Có thể là bạn đẹp, bạn thông minh tài giỏi?

Chưa đủ đâu, bạn chỉ có thể nhận được sự tôn trọng từ mọi người khi bạn đủ tri thức để thật sự tự tin với nguồn gốc của mình.

Và trong một hoàn cảnh nào đó, thể diện của bạn và những sự đặc cách mà bạn may mắn có được gắn liền với số phận và cách ứng xử của quốc gia, dân tộc, quê hương mình.

 

Tại Pháp, trong một cửa hàng mỹ phẩm miễn thuế ở thủ đô Paris. Sau khi được biết chúng tôi là người Việt Nam mà không phải người Trung Quốc, bà chủ cửa hàng người Nhật vui vẻ hẳn lên và bảo: riêng người Việt Nam có thể được giảm giá lên tới 30%.

Không chỉ đơn thuần là câu chuyện kinh doanh, dù chả ai nói gì ngoài vốn từ tiếng Pháp liên quan đến mấy mặt hàng làm đẹp phù phiếm cho hình thức bên ngoài, nhưng trong tâm thức, cả tôi và người phụ nữ Nhật ấy đều hiểu: chúng tôi là công dân của những quốc gia có nhiều nét tương đồng, đặc biệt là liên quan đến những tranh chấp biển.

“Có thể bứt con người khỏi quê hương nhưng không thể bứt quê hương khỏi con người”. Câu nói đó, vào lúc này, sao mà thấm thía.

Tôi có anh bạn luôn đau đáu về một vấn đề cấp thiết: đưa nội dung chủ quyền biển đảo vào sách giáo khoa. Anh kể tôi nghe hai câu chuyện:

Câu chuyện thứ nhất về một du học sinh Việt Nam đang học tập tại Mỹ. Trong lúc tình hình trên biển Đông được dư luận thế giới quan tâm, một người bạn Mỹ đã hỏi anh về biển Đông, về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều đáng buồn là anh không thể trả lời được đầy đủ và thuyết phục.

Nhưng cũng câu hỏi đó, một du học sinh Trung Quốc lại trả lời rành mạch, rõ ràng những điều mà anh ta đã được dạy kỹ lưỡng rằng: "Biển Đông và các quần đảo trên đó là của Trung Quốc !?"

Đêm đó, trong uất ức, dằn vặt, day dứt, du học sinh của chúng ta đã khóc. Anh ta gửi email về cho cô giáo dạy Sử và nhận được câu trả lời.

Nhưng còn bao nhiêu người Việt Nam đang sống, học tập và làm việc ở nước ngoài sẽ được hỏi những câu hỏi tương tự, và bất lực khi thiếu hụt tri thức lịch sử dân tộc?

Câu chuyện thứ hai của một phụ nữ Việt Nam lấy chồng và sinh sống tại Trung Quốc. Trong một lần về quê ăn Tết và thăm lại họ hàng, chị kể: “Ở bên đó, người ta toàn nói Việt Nam xâm chiếm biển đảo, lấn đất của Trung Quốc. Ban đầu, mình bảo đấy là của Việt Nam, nhưng họ lý luận là của họ”.

Chị phân bua với mọi người họ hàng: “Mình có biết gì đâu”. Nhưng chị buồn. Chị bảo: “Giá mà mình biết chắc chắn, mình sẽ tranh cãi đến cùng. Một góc vườn nhà mình mà bị hàng xóm chiếm, mình sẽ phải dẫn ra từ đời ông bà, ông vải tôi đã trồng cây gì ở đất ấy rồi, nữa là cả một cái biển rộng và bao nhiêu là đảo. Nhưng mà, mình có biết gì đâu…”.

Chị nói thế, như tự bào chữa cho mình, nhưng nghe ra, đó là một sự trách móc.

Tại sao từ người lao động chân tay cho đến du học sinh Trung Quốc đều có thể thông thạo kiến thức về biển Đông theo quan điểm của họ, trong khi cũng những thành phần xã hội đó của Việt Nam lại không hiểu biết đầy đủ, cụ thể về chủ quyền biển đảo-phần thiêng liêng của lãnh thổ Việt Nam?

Như thế thật có lỗi với ông bà tổ tiên và có lỗi với tổ quốc mình.

Không chỉ những người Việt Nam ở nước ngoài thiếu thốn thông tin, kiến thức về chủ quyền biển đảo, mà những người Việt Nam ở trong nước cũng rất lúng túng.

Họ đều có một điểm chung là: Sách giáo khoa phổ thông ở Việt Nam lâu nay không trang bị cho họ những tri thức cần thiết về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Vì thế lỗi không phải do người học, cũng không phải do người dạy mà do chương trình không có nội dung này.

Dù rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận ra lỗ hổng này và đã quyết định đưa nội dung về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam vào giảng dạy tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp.

Nhưng đó lại chỉ là một phần nhỏ trong nhiều nội dung nằm trong hình thức “Tuần sinh hoạt công dân - học sinh, sinh viên” đầu năm, đầu khóa, cuối khóa trong các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp năm học 2012-2013 vừa qua.

Một số địa phương, thời gian qua, cũng đã chủ động đưa vấn đề chủ quyền biển đảo vào giảng dạy cho học sinh.

Điều này là đáng quý nhưng việc giảng dạy này cần được thống nhất trong cả nước, có sự biên soạn khoa học với những bằng chứng, luận cứ, tài liệu chính thống từ trung ương và phải được đưa vào sách giáo khoa lịch sử.

Qua việc môn lịch sử ở trường trung học phổ thông còn bỏ ngỏ vấn đề chủ quyền biển đảo cho thấy, chương trình học của chúng ta dù quá tải nhưng vẫn thiếu những tri thức cần thiết cho học sinh, tạo ra những khoảng trống nhận thức.

Khoảng trống này cần nhanh chóng được lấp đầy không chỉ cho học sinh, người Việt ở trong nước mà còn cả với những người con làm ăn, sinh sống ở xa tổ quốc.

Học Lịch sử không phải chỉ để biết quá khứ, mà hơn thế, nó giúp chúng ta vận dụng kiến thức lịch sử khi đánh giá, giải quyết các vấn đề hiện tại.

Trong thời đại ngày nay, thời đại thế giới phẳng, một chuyến đi chưa bao giờ đơn giản đến thế. Cũng chưa bao giờ việc thăm viếng lẫn nhau, hoặc đi du học, đi làm ở nước ngoài dễ dàng và đông đảo như vậy.

Tuy nhiên, chúng ta chỉ thấy cái háo hức của sự đi mà chưa thực sự chuẩn bị đầy đủ cho sự hội nhập, đối thoại sòng phẳng với các quốc gia và các nền văn hoá khác.

Khi tâm thế không được trau dồi nghiêm túc và đầy đủ, thì sự lúng túng, mất phương hướng do thiếu hụt tri thức văn hoá lịch sử dân tộc sẽ dẫn đến tâm lý thiếu tự tin.

Đã có không ít trường hợp vì “cơm áo gạo tiền” cộng với thiếu tri thức mà phải nhẫn nhục tạm quên đi một thân phận, một dân tộc, một quốc gia.

Lỗ hổng này cần phải sửa ngay, nếu không những điều tương tự như sự ấm ức của người phụ nữ cũng như giọt nước mắt day dứt của cậu du học sinh kể trên sẽ còn tiếp diễn./.

Mỹ Trà

 

 

 


Ý kiến của bạn