Viêm gan B từ lâu đã được cảnh báo là "kẻ giết người thầm lặng" bởi tính chất âm thầm, khó phát hiện trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít người vẫn xem nhẹ căn bệnh này, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như xơ gan, ung thư gan – thậm chí tử vong.
"Sát thủ âm thầm" của lá gan
Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm do virus HBV gây ra, lây truyền qua đường máu, quan hệ tình dục không an toàn, hoặc từ mẹ sang con. Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 8–10% dân số đang sống chung với virus này, tương đương khoảng 8–10 triệu người. Điều đáng lo ngại là phần lớn người nhiễm không có biểu hiện lâm sàng cụ thể trong nhiều năm, dẫn đến việc chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị.

Bệnh nhân viêm gan B cần được thăm khám định kỳ để theo dõi chức năng gan và ngăn ngừa biến chứng.
Viêm gan B nếu không được kiểm soát hiệu quả sẽ phá hủy tế bào gan theo thời gian, khiến gan mất dần chức năng chuyển hóa, giải độc, tổng hợp protein và dự trữ năng lượng. Từ đó, bệnh có thể tiến triển thành xơ gan, suy gan và ung thư gan – những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng đối với sức khỏe và tính mạng người bệnh.
Chủ quan – cái giá là cả cuộc đời
- Từ viêm gan đến xơ gan, ung thư gan
Thống kê từ các chuyên gia y tế cho thấy, khoảng 20% người mắc viêm gan B mạn tính có nguy cơ chuyển sang xơ gan. Khi các mô gan bị xơ hóa, chức năng gan suy giảm nghiêm trọng, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như mệt mỏi kéo dài, chán ăn, vàng da, bụng trướng, phù chân tay...
Đáng báo động hơn, viêm gan B là nguyên nhân chính dẫn đến ung thư gan tại Việt Nam. Người mắc HBV có nguy cơ phát triển ung thư gan cao gấp 20 lần so với người bình thường. Đặc biệt, nhiều ca bệnh ung thư gan chỉ được phát hiện ở giai đoạn muộn, khi gan đã tổn thương nặng và không còn khả năng can thiệp điều trị hiệu quả.
- Những câu chuyện cảnh tỉnh từ người bệnh
Chị N.T.N. (39 tuổi, Hải Dương): Biết mình mang virus viêm gan B từ sau lần sinh con đầu tiên nhưng chủ quan không điều trị. Đến lần mang thai thứ ba, chị bắt đầu có biểu hiện vàng da, mệt mỏi và được chẩn đoán suy gan cấp, đe dọa cả tính mạng bản thân lẫn thai nhi.
Anh N.V.K. (43 tuổi, Hà Nam): Sau khi phát hiện viêm gan B từ khi còn trẻ, anh điều trị ổn định trong vài năm nhưng sau đó tự ý bỏ thuốc để chuyển sang thuốc nam không rõ nguồn gốc. Kết quả là gan bị xơ hóa nặng, phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Viêm gan B có thể không biểu hiện triệu chứng rõ ràng nhưng đang âm thầm tàn phá lá gan mỗi ngày. Ảnh minh họa
Chị P.T.T. (36 tuổi, Bình Dương): Từng tuân thủ điều trị nhưng sau đó ngừng thuốc vì cho rằng sức khỏe đã ổn định. Một năm sau, chị đến bệnh viện trong tình trạng gan tổn thương nặng, được chẩn đoán ung thư gan giai đoạn cuối, không thể phẫu thuật.
Những trường hợp trên là hồi chuông cảnh tỉnh rõ ràng cho cộng đồng về hậu quả của việc xem nhẹ viêm gan B. Cái giá không chỉ là sức khỏe mà còn là mạng sống, là nỗi đau cho cả gia đình và xã hội.
Vì sao người bệnh lại chủ quan?
Nguyên nhân chính khiến người bệnh chủ quan bao gồm:
- Thiếu kiến thức về bệnh: Nhiều người nghĩ viêm gan B chỉ cần theo dõi, không cần điều trị vì không thấy triệu chứng rõ rệt.
- Tự ý bỏ thuốc: Một số bệnh nhân ngưng thuốc khi thấy sức khỏe cải thiện, không hiểu rằng virus vẫn còn tồn tại và có thể hoạt động trở lại.
- Tin vào thuốc nam, thuốc lá: Không ít người lựa chọn điều trị bằng các bài thuốc truyền miệng, không được kiểm chứng khoa học, dẫn đến bệnh không những không cải thiện mà còn diễn tiến nặng hơn.
- Không tái khám định kỳ: Việc không kiểm tra sức khỏe định kỳ khiến người bệnh không phát hiện được biến chứng gan đang âm thầm tiến triển.
Lời khuyên từ chuyên gia: Đừng đánh cược với sức khỏe
Để phòng tránh những hậu quả đáng tiếc do viêm gan B, các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo:
- Tầm soát định kỳ: Tất cả mọi người, đặc biệt là người trong độ tuổi sinh sản, người có nguy cơ cao nên xét nghiệm viêm gan B ít nhất 1 lần/năm.
- Tuân thủ điều trị: Nếu đã mắc viêm gan B, cần tuyệt đối tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc hoặc thay đổi phác đồ.
- Tiêm vaccine: Vaccine viêm gan B là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất, đặc biệt cho trẻ sơ sinh và người chưa từng nhiễm virus. Trẻ cần được tiêm trong vòng 24 giờ sau sinh.
- Chế độ sống lành mạnh: Người nhiễm viêm gan B cần duy trì chế độ ăn uống cân bằng, hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá và tập luyện thể thao đều đặn.
Viêm gan B không phải là "án tử" nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Tuy nhiên, sự chủ quan chính là yếu tố khiến nhiều người phải trả giá bằng cả cuộc đời. Hãy chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình bằng cách nâng cao nhận thức, tuân thủ điều trị và đừng bao giờ xem nhẹ những căn bệnh tưởng chừng vô hại.