Chủ quan với vết loét miệng do nghiện hút thuốc lá, người đàn ông ở Hà Nội tá hoả khi bị ung thư

06-03-2019 07:00 |
google news

SKĐS - Thấy miệng có vết loét nhỏ, người đàn ông 60 tuổi ở Hà Nội cứ nghĩ là bị nhiệt nên đã không điều trị gì. Tuy nhiên, khi chỗ loét dày, to lên nhanh và hơi cứng , ông mới đi thăm khám thì bác sĩ cho biết đã bị ung thư khoang miệng giai đoạn 2

Với thói quen hút thuốc lá nhiều, vài năm trở lại đây, tần suất tăng lên 1 bao/ngày, cách đây vài tháng, ông Lê Văn T., 60 tuổi ở Thường Tín, Hà Nội bắt đầu thấy trong miệng có vết loét nhỏ, hơi gợn trong nhưng không đau, nghĩ bị nhiệt nên ông không điều trị gì.

“Cách đây 2 tháng, chỗ loét dày, to lên nhanh và hơi cứng nên tôi vào bệnh viện huyện  kiểm tra, bác sĩ kê đơn thuốc uống 10 ngày nhưng không đỡ. Cuối tháng 2 vừa qua, tôi đến BV Việt Nam - Cu Ba (Hà Nội) để thăm khám. Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán tôi bị ung thư khoang miệng giai đoạn 2”- ông T. kể lại.

Theo BSCK II Nguyễn Thanh Thái, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình hàm mặt, BV Việt Nam - Cu Ba, khi đến viện, khối u ở má trái ông T. đã to 3-4 cm. Để giúp khối u không tái phát, bác sĩ đã phải vét hạch rộng ra vùng xung quanh, cắt tuyến dưới hàm. Song song đó, 1 ekip khác lấy vạt tự do má ngoài đùi để phẫu tích, nối vi phẫu lên vùng má vừa bị cắt u, diện tích miếng da lên tới 12x8 cm. Ca phẫu thuật kéo dài 6 tiếng đồng hồ.

Hiện sau 6 ngày phẫu thuật, sức khoẻ ông T. tiến triển tốt, có thể ăn uống, nói chuyện bình thường, mảng da ghép sống tốt.  Sau khi sức khoẻ bệnh nhân ổn định, sau 3-6 tháng nữa sẽ quay lại bệnh viện để tái tạo lại viền môi.

Ông T. đang nằm điều trị tại BV Việt Nam- Cu Ba

Theo BS Thái, đến nay, cơ chế gây ung thư khoang miệng (gồm lưỡi, lợi, niêm mạc má, sàn miệng, môi...) chưa rõ ràng tuy nhiên theo thống kê của các Trung tâm kiểm soát dịch bệnh, 75% các trường hợp ung thư khoang miệng có liên quan đến hút thuốc lá, kể cả hút thuốc lá bị động (hít phải khói thuốc), kế đó là các trường hợp sử dụng quá nhiều rượu bia.

“Ngoài ra những người hay ăn trầu, bị tổn thương mãn tính, người có tiền sử gia đình bị ung thư... cũng có nguy cơ mắc ung thư khoang miệng cao hơn những người khác. Đây là loại ung thư mắc nhiều hơn ở nam giới, tuổi càng cao, nguy cơ càng lớn”- BS Thái thông tin.

So với nhiều loại ung thư khác, ung thư miệng dễ chẩn đoán và cho tiên lượng điều trị rất tốt ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể khỏi hoàn toàn sau phẫu thuật. Tuy nhiên, rất ít trường hợp được phát hiện ở giai đoạn đầu bởi người bệnh hay nhầm lẫn là mắc nhiệt miệng hoặc loét miệng.  Đồng thời các chuyên gia cho hay, hầu hết bệnh nhân ung thư khoang miệng ở Việt Nam đều đến bệnh viện thăm khám khi đã ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị kém hiệu quả.

“Ở giai đoạn muộn, tổn thương trong miệng có thể lan rộng gây những cơn đau kéo dài, mất chức năng của miệng như ăn uống, nói chuyện, bị biến dạng khuôn mặt do phẫu thuật cắt u, thậm chí tử vong”- BS Thái cảnh báo.

Các chuyên gia khuyến cáo người dân cần tự thường xuyên kiểm tra răng miệng, khi thấy những dấu hiệu sau cần đến bệnh viện để thăm khám ki[j thời:

- Loét miệng kéo dài: Nếu trong miệng có vết loét không đau, hơi cứng, cộm nhưng 2-3 tuần không khỏi.

- Xuất hiện màu lạ trong miệng: Có thể là các vệt, đốm có màu đỏ hồng, trắng đục ở vị trí lưỡi, môi, nướu răng, niêm mạc má.

- U cục trong miệng: Một số trường hợp không bị đổi màu trong khoang miệng, không có vết loét mà xuất hiện u cục. Người bệnh có thể dễ dàng phát hiện bằng mắt thường hoặc sờ tay.

- Chảy máu trong khoang miệng: Chảy máu có thể tự nhiên hoặc sau khi va chạm nhẹ, sau ăn hoặc sau khi đánh răng.

- Nổi hạch vùng cổ không đau. Hạch thường gặp dưới xương hàm và dưới cằm. Ngoài ra bệnh nhân có thể bị khó nuốt, nói khó, đau khi di chuyển lưỡi, sụt cân, mệt mỏi, khản tiếng bất thường...


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn