Hà Nội

Chủ quan với sởi, nhiều trẻ bị “bỏ quên” tiêm chủng

02-03-2014 17:50 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, BV. Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết: phần nhiều trẻ mắc bệnh sởi nhập viện trong thời gian qua là do cha mẹ đã “bỏ quên” việc chủng ngừa sởi cho trẻ, nhất là việc chủng ngừa đủ 2 mũi nhằm tạo miễn dịch suốt đời cho trẻ.

SKĐS - BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, BV. Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết: phần nhiều trẻ mắc bệnh sởi nhập viện trong thời gian qua là do cha mẹ đã “bỏ quên” việc chủng ngừa sởi cho trẻ, nhất là việc chủng ngừa đủ 2 mũi nhằm tạo miễn dịch suốt đời cho trẻ.

Mất sổ, bỏ tiêm luôn!

Tiếp xúc với nhiều bà mẹ có con đang nằm tại khoa Nhiễm - Thần kinh, BV. Nhi Đồng 1 TP.HCM cho thấy không ít người chủ quan, quên tiêm phòng hoặc do lo sợ biến chứng tiêm chủng mà “đánh liều” bỏ luôn việc tiêm ngừa đầy đủ cho trẻ. Khi được BS hỏi về việc tiêm ngừa cho con có đầy đủ 2 mũi không, chị Nguyễn Thị Út (ngụ Bến Tre) phân trần: “Do tiêm xong mũi 1 xong, gia đình đánh mất sổ theo dõi tiêm chủng cho cháu nên còn một số mũi tiêm ngừa nhắc lại gia đình không nhớ là phải tiêm loại vắc-xin gì nên sợ nhầm phải bỏ luôn không tiêm nữa”.Phụ huynh của bé N.G.P, 10 tháng tuổi ở TP.HCM, rất “bất ngờ” khi con bị mắc sởi. Trước đó, do đăng ký tiêm chủng ở một đơn vị tiêm dịch vụ nên được tư vấn 12 tháng tuổi mới đưa trẻ đi tiêm sởi (Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia tiêm sởi mũi đầu cho trẻ ở tháng thứ 9).

 

Tại BV. Nhi Đồng 1, đến ngày 11/2,  có khoảng 200 bệnh nhi nhập viện điều trị. Một số ca bị viêm phổi phải thở máy, nhiều trẻ khác chưa đến 9 tháng tuổi đã nhiễm bệnh. Hiện mỗi ngày có 5 - 7 trường hợp nhập viện, riêng ngày 10/2, có đến 12 trẻ nhập viện do sởi. Tại BV. Nhi Đồng 2, mỗi ngày cũng tiếp nhận từ 3 - 4 trẻ nhập viện và đang điều trị nội trú cho hơn 20 trường hợp mắc sởi.

Tại BV. Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, từ tháng 9/2013 đến hết tuần đầu tháng 2/2014 đã có gần 150 ca mắc sởi nhập viện.

85% trường hợp trẻ mắc bệnh chưa được chích ngừa

Theo Viện Pasteur TP.HCM, khai thác bệnh sử các bệnh nhân nhập viện do sởi cho thấy có tới 85% trường hợp mắc chưa được chích ngừa sởi hoặc chưa đến tuổi chích ngừa.Đáng chú ý, sau một thời gian dài duy trì được tỉ lệ tiêm sởi mũi 1 rất cao và độ phủ rộng của Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia, tuy nhiên từ cuối năm 2013, nhiều tỉnh, thành phố có tỉ lệ tiêm chủng giảm. Thậm chí TP.HCM ở thời điểm tháng 11, 12/2013, tỉ lệ tiêm ngừa sởi chỉ bằng 50% so với các năm trước. Đặc biệt, tỉ lệ tiêm vắc-xin mũi 2 ở TP.HCM rất thấp, chỉ đạt 37,3%, do đó làm gia tăng số người cảm nhiễm với sởi.

BS. Trương Hữu Khanh cho biết, để phòng bệnh sởi, trẻ em được tiêm văc-xin sởi lúc trẻ được 9 tháng và 18 tháng tuổi. Sởi cho miễn dịch bền vững và lâu dài, tuy nhiên tùy theo độ tuổi tiêm, với 9 tháng tuổi tiêm mũi 1, hiệu quả bảo vệ đạt được 85%. Khi tiêm mũi 2, hiệu quả bảo vệ tăng lên 95 - 99%. Tiêm mũi 2 không chỉ củng cố miễn dịch của người được tiêm mà còn giúp nâng tỉ lệ miễn dịch cộng đồng. Với tình hình tiêm chủng sởi giảm như thời gian vừa qua, BS. Khanh lo ngại sẽ ảnh hưởng đến kết quả chung của Chương trình tiêm chủng Mở rộng và khiến nhiều dịch bệnh như sởi quay trở lại và bùng phát. BS này nói:

“Chủng ngừa là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh sởi. Do vậy, việc tiêm ngừa đúng thời điểm và tiêm đầy đủ 2 mũi là rất cần thiết và cần phải được duy trì thường xuyên chứ không đợi dịch đến mới tuyên truyền hay đổ xô đi tiêm phòng theo kiểu cắt ngọn”.

BS. Khanh cho biết, vắc-xin ngừa sởi đang dùng ở Việt Nam là loại rất tốt và an toàn, đã qua ngoại kiểm của Nhật, do đó không nên lo lắng về biến chứng vắc-xin tiêm ngừa sởi.

Quỹ vắc-xin ngừa sởi hiện có hơn 55 ngàn liều và sẵn sàng cho nhu cầu tiêm ngừa sởi trong những ngày này và “chiến dịch” tiêm ngừa sởi dự kiến sẽ được TP.HCM triển khai vào đầu tháng 3 tới đây.

Tiêm bổ sung vắc-xin sởi

Cục Y tế dự phòng đã yêu cầu các địa phương rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm đầy đủ vắc-xin sởi để tiến hành tiêm bổ sung cho tất cả đối tượng cần được tiêm vắc-xin sởi. Việc tiêm vắc-xin sởi có thể thực hiện đồng thời với lịch tiêm chủng hằng tháng hoặc tiêm vào một ngày khác.

TUÂN NGUYỄN

 

 

 

 


Ý kiến của bạn