Hà Nội

Chủ quan với bệnh thủy đậu: Coi chừng nguy hiểm

19-01-2018 14:52 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu, thời tiết lạnh, ẩm trong mùa đông xuân tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, gia tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, trong đó có thủy đậu.

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu, thời tiết lạnh, ẩm trong mùa đông xuân tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, gia tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, trong đó có thủy đậu.

Tại hội nghị bàn các giải pháp phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân năm 2018 vừa diễn ra, PGS.TS Trần Đắc Phu đưa ra thông tin, số ca mắc bệnh thủy đậu hàng năm đều ở mức cao, quy mô lớn gần như khắp cả nước.

Trong năm 2017, cả nước ghi nhận gần 39.000 ca mắc bệnh, tăng gần 45,9% so với năm 2016. Số ca mắc bắt đầu có xu hướng gia tăng từ tháng 1, đạt đỉnh vào tháng 3 (8.000 ca mắc, trung bình các tháng dưới 3.000 ca). Tại TP. HCM, số trường hợp bị thủy đậu cũng tăng 46%.

Những biến chứng nguy hiểm và hệ lụy lâu dài của thủy đậu

Những mụn nước nếu điều trị không đúng cách sẽ dễ bị bội nhiễm, khi lành dễ bị seo sâu, khó hồi phục

Thủy đậu là bệnh nhiễm trùng cấp tính toàn thân do vi rút Varicella Zoster gây ra. Biểu hiện của bệnh gồm mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng, các nốt ban đỏ ở vùng da đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Thủy đậu có thể gặp ở mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh đến người trưởng thành. Trên người khỏe mạnh, thủy đậu thường lành tính và ít để lại di chứng.

Ở trẻ sơ sinh, người già và phụ nữ có thai do khả năng bảo vệ suy giảm nên có thể dẫn đến nhiều biến chứng, đặc biệt khi mang thai ở tuần 13 - 20. Trẻ sơ sinh mắc thủy đậu lây truyền từ mẹ diễn biến cũng rất nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong lên đến 30%.

Theo PGS. TS. BS Cao Hữu Nghĩa (Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh): Thủy đậu vốn là một bệnh lành tính nhưng nếu không được phát hiện sớm để điều trị kịp thời và đúng cách sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Mụn nước do thủy đậu có thể gây viêm da “bội nhiễm”, để lại các vết sẹo lõm trên da về sau. Biến chứng thứ hai có thể gặp phải là viêm phổi với triệu chứng như đau ngực, khó thở, tím tái, ho ra máu.

“Nguy hiểm hơn, bệnh có thể dẫn đến viêm não, rối loạn tâm thần, co giật, hôn mê" - TS Cao Hữu Nghĩa cảnh báo.

Ngoài những biến chứng nặng… nguy cơ tử vong cao, thủy đậu còn gây ra nhiều hệ lụy dây chuyền và lâu dài, ảnh hưởng đến cuộc sống của chính người bệnh và gia đình. Điển hình là viêm da “bội nhiễm” tại mụn nước hay nguy cơ bị bệnh zona (tên dân gian là dời leo) ở tuổi trung niên để lại các vết sẹo trên da, khó hồi phục và khiến người bệnh cảm thấy tự ti trong cuộc sống.

Mặt khác, mỗi khi trẻ mắc bệnh thủy đậu cũng ảnh hưởng đến cha mẹ rất nhiều. Ngoài việc xin nghỉ phép từ 5-10 ngày ở nhà chăm con, chạ mẹ có nguy cơ cao bị mắc bệnh thủy đậu do bé lây sang. Người lớn khi mắc thủy đậu, nếu không được điều trị đúng cách sẽ dễ gặp những biến chứng nguy hiểm hơn ở trẻ em.

Công việc của các phụ huynh bị gián đoạn khi phải nghỉ phép chăm con khi trẻ mắc thủy đậu

Bổ sung thêm thông tin, TS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, mầm bệnh thủy đậu luôn tồn tại nên lúc nào trẻ em, thậm chí người lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh. Bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp nên rất khó phòng ngừa và dễ bùng phát thành dịch. Những ai chưa từng mắc bệnh, chưa tiêm phòng đều có nguy cơ mắc bệnh.

Tiêm vắc xin là cách phòng thủy đậu hiệu quả nhất

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo đối với thủy đậu, tiêm ngừa vắc xin là cách phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất cho bản thân, cho cộng đồng. Chị em nên đi tiêm vắc xin phòng thủy đậu trước khi có thai 3 tháng; không được tiêm khi đã có thai. Đối với trẻ từ 1 đến 12 tuổi, chỉ cần một liều vắc xin là đủ giúp trẻ ngăn ngừa bệnh thủy đậu. Từ 13 tuổi trở lên, mỗi người cần được tiêm 2 liều cách nhau ít nhất 6 tuần để cho hiệu quả phòng bệnh tốt nhất.

Tiêm vắc xin là một trong các biện pháp hữu hiệu phòng bệnh thủy đậu

PGS. TS. BS Cao Hữu Nghĩa cho biết: “Đối với thủy đậu, tiêm vắc xin là cách phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất. Hơn 90% những người đã chủng ngừa sẽ tránh hoàn toàn được căn bệnh này. Khoảng 5-10% còn lại có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, với rất ít nốt đậu và thường là không bị biến chứng”.

Để chủ động phòng ngừa bệnh thủy đậu, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:
- Tiêm vắc xin đủ liều, đúng lịch.
- Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý.
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.
- Những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm 7-10 ngày từ kể từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.


Thái Bình
Ý kiến của bạn