Thông tin từ Bệnh viện Quận Thủ Đức cho biết, các bác sĩ của bệnh viện vừa cấp cứu thành công một trường hợp nhồi máu cơ tim cấp.
Đó là trường hợp của bệnh nhân N.V.Đ nhập viện trong tình trạng huyết áp tụt, mạch chậm. Bệnh nhân được đo điện tim và được chẩn đoán nhồi máu cơ tim thành dưới thất phải giờ thứ nhất diễn tiến nặng do nhịp tim chậm. Được sự chỉ đạo của Ban giám đốc và Trưởng khoa Nội tim mạch, ngay lập tức ekip can thiệp mạch vành được huy động để cấp cứu cho bệnh nhân.
Bác sĩ Phu Vy Vị, Khoa Nội tim mạch – Bệnh viện quận Thủ Đức cho biết, tình trạng tổn thương động mạch vành và biến chứng sốc tim, ngưng tim của bệnh nhân Đ. là rất nghiêm trọng. Bệnh nhân chỉ cần vào viện trễ chỉ 1 vài phút nữa thì nguy cơ tử vong của bệnh nhân là rất cao. Trước khi chuẩn bị đưa bệnh nhân lên phòng DSA để can thiệp, nhịp tim của bệnh nhân bị Block A-V độ III chậm dần và ngưng tim.
Bệnh nhân Đ. Ảnh: BVCC
Ngay lập tức các bác sĩ và điều dưỡng khoa Cấp cứu, khoa Hồi sức Tim mạch đã nhanh chóng hồi sinh tim phổi trong 2 phút, đặt nội khí quản bóp bóng giúp thở, bệnh nhân có lại nhịp tim tần số # 40 - 45 lần / phút. Sau khi hội chẩn liên khoa, các bác sĩ đã quyết định sử dụng thiết bị tạo nhịp qua da để đảm bảo được tần số tim, giữ được tính mạng bệnh nhân tạm thời đến khi tái thông được dòng chảy nhánh động mạch vành thủ phạm.
Tại phòng DSA, mọi thứ cần thiết đã được khoa Gây mê hồi sức chuẩn bị sẵn sàng, ngay khi bệnh nhân được đưa vào phòng DSA, ekip đã nhanh chóng chích động mạch đùi phải của bệnh nhân và chụp động mạch vành phải.
Hình ảnh phim chụp động mạch vành bị tắc
Đúng như chẩn đoán trước phẫu thuật, bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch vành phải do huyết khối. Ekip không bỏ phí một giây nào, đi wire qua tổn thương tắc để khai thông dòng chảy nhỏ như một sợi chỉ.
Sau 60 phút nỗ lực, cuối cùng ekip cũng can thiệp thành công, khai thông dòng chảy nhánh động mạch vành là thủ phạm của cơn nhồi máu cơ tim, BS Vị cho biết.
Trong suốt quá trình can thiệp, các bác sĩ gây mê hồi sức phải luôn đảm bảo các chỉ số (huyết áp, nhịp tim,.. ) cho bệnh nhân bằng thuốc vận mạch, tăng sức co bóp cơ tim, cài đặt máy thở, ... Chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể gây nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân.
Hình ảnh phim chụp ca can thiệp động mạch vành
Gia đình bệnh nhân cho biết, cách đây hơn 10 năm, ông Đ. hút thuốc lá trung bình 1 gói / ngày, thời gian hút kéo dài hàng năm, sau đó bệnh nhân bỏ được thuốc lá. Hiện bệnh nhân đang được điều trị ngoại trú tại phòng khám tim mạch - Bệnh viện quận Thủ Đức. Thời gian gần đây, thỉnh thoảng bệnh nhân có những cơn đau nhói ngực thoáng qua kèm khó thở, nhưng vì cơn đau tự hết nên bệnh nhân chủ quan, nghĩ là không sao và không cho bác sĩ biết. Hồi tỉnh sau khi can thiệp, ông Đ. vẫn ngạc nhiên vì không ngờ bệnh tình của mình lại trầm trọng như vậy. Sau 6 ngày điều trị, bệnh nhân đã hồi phục và được xuất viện trong tình trạng sức khỏe tốt.
Bác sĩ Phu Vy Vị cho biết, hiện nay, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch chiếm cao nhất trên thế giới. Thông qua trường hợp này, người bệnh "khi có triệu chứng đau ngực cần đến cơ sở y tế để tầm soát sớm, đặc biệt cần cho bác sĩ biết, không nên nghĩ là không quan trọng, vì đôi khi thông tin đó lại rất quan trọng để chẩn đoán bệnh "- BS Vị khuyên. Các bệnh lý tim mạch cần phải can thiệp sớm, không nên trì hoãn điều trị vì bệnh có thể diễn tiến thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng.