Chủ quan nghĩ đau bụng do viêm loét, đi khám thành ung thư dạ dày

13-09-2018 17:18 |
google news

SKĐS - Ung thư là mối lo ngại gánh nặng bệnh tật trên toàn thế giới không chỉ ở Việt Nam, với số người mắc ung thư tăng thực sự. Theo một khảo sát, ung thư dạ dày là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất. Điều đặc biệt mọi người thường chủ quan vì nghĩ đau dạ dày là bệnh đơn giản mà không đi khám hoặc điều trị dứt điểm, khi có biểu hiện sụt cân thì ung thư dạ dày đã ở giai đoạn muộn.

Tại Việt Nam, ung thư dạ dày là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất, đứng hàng thứ 2 ở nam giới sau ung thư phổi, thứ 3 ở nữ giới sau ung thư vú và cổ tử cung. Mỗi năm có thêm hơn 10.000 ca mắc mới - tỉ lệ cao nhất thế giới.  Khoảng 2/3 số người bệnh ung thư dạ dày tại Việt Nam được phát hiện ở giai đoạn tiến triển, đã xâm lấn và di căn hạch lympho hay di căn xa.

Theo PGS.TS Vũ Hồng Thăng, Phó trưởng Khoa điều trị nội 4, Bệnh viện K; Phó trưởng bộ môn Ung thư, Trường Đại học Y Hà Nội. Tại bệnh viện K là cơ sở chuyên sâu chẩn đoán, điều trị, nghiên cứu bệnh ung thư, đây cũng là nơi điều trị đồng bộ nhất, chúng tôi gặp tất cả các loại ung thư. Số bệnh nhân ung thư đường tiêu hoá cũng có xu hướng gia tăng, trong đó điển hình là K dạ dày, K đại trực tràng… Bệnh Viện K có 3 cơ sở với số lượng bệnh nhân điều trị rất lớn, theo thống kê thì bệnh nhân ung thư càng trẻ hoá, tỉ lệ mắc ung thư tại Việt Nam  có vẻ trẻ hơn so với người da trắng ở Châu Âu. Đây cũng là mối lo ngại, do đó cần có các chương trình khám, sàng lọc, phát hiện bệnh trong cộng đồng.

Ung thư dạ dày có liên quan đến chế độ ăn uống

Theo BS Thăng, nguyên nhân gây ung thư dạ dày thực sự vẫn chưa được biết đến rõ ràng nhưng các yếu tố nguy cơ (như chế độ ăn nhiều muối, ăn nhiều thực phẩm ủ ngâm muối, lên men, thịt hun khói và nướng, thực phẩm bị nhiễm hóa chất độc hại, thuốc lá, béo phì, người bệnh bị nhiễm vi rút HP...) đã được nghiên cứu và ghi nhận. Ngoài ra, những ai được chẩn đoán mắc bệnh dạ dày như loét, viêm dạ dày mạn tính, phẫu thuật dạ dày trước, polyp dạ dày, yếu tố di truyền,…thì nguy cơ mắc ung thư dạ dày thường cao hơn những người bình thường.

Chia sẻ về dấu hiệu nhật biết sớm về ung thư dạ dày, BS Thăng cho rằng; Triệu chứng của bệnh ung thư dạ dày rất mờ nhạt ở giai đoạn sớm, các trường hợp khi có triệu chứng thì đã ở giai đoạn muộn. Các triệu chứng như: đau vùng trên rốn, mệt mỏi, chán ăn, thiếu máu, sút cân hoặc tự sờ thấy khối u… Để phát hiện sớm bệnh này, cần đi khám sàng lọc định kỳ và phát hiện sớm bằng nội soi dạ dày.

Có những trường hợp có triệu chứng rối loạn tiêu hoá, nếu trước đó chưa từng mắc bệnh gì mà bất ngờ có biểu hiện đi ngoài nhiều lần, phân lẫn máu, chất nhầy, có thể có đau bụng... cứ lầm trưởng bị đau dạ dày nhưng đi khám chuyên khoa tiêu hoá thì đã phát hiện ra ung thư.

Vì vậy, trước thực trạng ung thư dạ dày đang có xu hướng trẻ hóa, BS. Thăng khuyến cáo: người sau 40 tuổi, nếu có dấu hiệu đau bụng lâu dài, ăn không tiêu, đầy bụng hoặc có yếu tố nguy cơ gia đình hoặc nhiễm vi rút HP điều trị không hết thì nên đi tầm soát ung thư. Phương pháp tầm soát ung thư dạ dày là nội soi dạ dày. Ung thư dạ dày nếu được phát hiện sớm thì khả năng điều trị khỏi bệnh rất cao.


Nguyễn Lan
Ý kiến của bạn