Hiện chưa rõ nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn. Nhưng có một số nguồn tin nghi ngờ buổi tối cùng ngày bé làm bài thi không tốt, áp lực về việc học tập quá lớn, nên đã nhảy từ tầng 22 xuống.
Cái chết của bé trai đã thổi bùng cảm xúc dư luận.
Trên mạng xã hội, hầu hết mọi người lên án các bậc phụ huynh, họ cho rằng trẻ em vui chơi là chính, cha mẹ đừng vì thành tích học tập mà gây áp lực cho trẻ, con có thể học lười học và học kém một chút cũng chưa chết.
Tôi không đồng ý với quan điểm này.
Bởi vì cuộc đời đứa trẻ rất dài, bố mẹ chỉ ở bên con cho đến tuổi trưởng thành. Khi trẻ bước vào đại học, kể từ đó chúng phải va vấp xã hội, bố mẹ không thể đi theo để kiểm soát. Trên con đường lập nghiệp, sẽ có rất nhiều áp lực, để trẻ vượt qua những áp lực đó thì chẳng cách nào tốt hơn là cha mẹ phải dạy trẻ "tự lái" ngay từ khi còn nhỏ.
Một đứa trẻ không vượt qua nổi áp lực, sau này lớn lên, tôi tin đứa trẻ đó sẽ rất khó thành công trong cuộc sống.
Áp lực có bản chất là dương, vì thế mà cuộc sống đòi hỏi một số áp lực để phát triển. Có áp lực chịu được và có áp độc độc hại. Dạy trẻ tự lái, có nghĩa là cha mẹ cần phải biết các tạo ra những áp lực vừa phải, đồng thời giúp trẻ vượt qua được áp lực để kiểm soát tốt cuộc sống.
Thật tiếc, những động lực của chủ nghĩa hoàn hảo và thái quá giờ đây đã kết hợp lại để tạo ra những thanh thiếu niên chỉ biết tập trung hết vào thành công, mà không biết học cách thất bại.
Tôi đã gặp những đứa trẻ như vậy.
Gần hai năm trước, khi tôi mới ra trường và phải đi dạy gia sư, học sinh của tôi là một cô bé phải chịu áp lực của sự hoàn hảo.
Là niềm tự hào của cả dòng họ, vào năm lớp 12, cô bé đạt giải cao trong cuộc thi học sinh giỏi toàn quốc. Được tuyển thẳng vào đại học với điều kiện các môn thi tốt nghiệp PTTH phải đạt 6 điểm. Thật không may, hai môn văn và toán chỉ đạt 5.
Cô bé phải chinh phục đại học như một vận động viên tranh huy chương vàng. Bước vào đường đua, chỉ còn ba tuần ôn luyện cấp tốc, mẹ đi tìm các thầy dạy giỏi nhất. Kì vọng rất cao. Mỗi ngày vào lúc 6 giờ chiều, cô bé mệt mỏi trở về nhà, việc đầu tiên là mẹ kiểm tra những bài thầy giao dưới dạng thi thử. "Tại sao con chỉ được 5 điểm?" Những chữ số cùng lời phê màu đỏ luôn là nỗi ám ảnh. "Có phải con chưa chăm chỉ, nhanh ẩu đoảng, hay bất cẩn?" Hàng loạt những lời rao giảng, người mẹ nói cho con gái biết tầm quan trọng của việc học tập, phải đạt điểm cao và thi đỗ đại học.
Tôi cũng nhận dạy kèm cho cô bé, nhưng tôi không nhồi nhét kiết thức, không giao bài. Mà tôi chỉ khơi gợi cách tự giải quyết bài toán từ đơn giản đến phức tạp. Cách đọc một tác phẩm văn học và cảm nhận nó dưới nhiều góc nhìn. Tôi khuyến khích mỗi ngày cô bé nộp một cái gì đó. Nó không cần phải hoàn hảo. Và tôi chỉ cho cô bé hiểu rằng, đại học là rất quan trọng, nhưng nó mới chỉ là bước khởi đầu, kiến thức là mênh mông. Đại học không phải là tất cả. Kì thi đại học có thể cô bé chưa đạt được thành tích tốt, nhưng không phải là quá khó, chắc chắn cô bé sẽ vượt qua.
Những đứa bạn cùng ôn khối D, đề thi thử luôn giành điểm cao, thậm chí điểm tuyệt đối. Và mỗi buổi sáng, các bà mẹ hay gọi điện hỏi thăm con cái, họ kể về thành tích học tập tuyệt vời, về những dự định tươi sáng trong tương lai. Cô bé vẫn tập trung ôn luyện cấp tốc. Nhưng bắt đầu nghi ngờ vào năng lực của bản thân. Trong một lần ở lớp học thêm, sự tự tin của cô bé bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi tình cờ liếc nhìn vào màn hình điện thoại của nam sinh cùng ghế, đó là một tin nhắn cho cô bạn gái "thà tự tử còn hơn bị thi trượt".
"Cậu ổn chưa?"
"Tớ đỡ rồi!"
Đó là đoạn hội thoại sau kì thi, trước đó, người bác vốn là giảng viên trường đại học mà cô bé thi vào nên có điều kiện biết điểm trước khi Hội đồng tuyển sinh nhập kết quả vào hệ thống. Người bác thông báo cô bé bị thiếu nhiều điểm. Mọi thứ sụp đổ. Bởi cô bé là học sinh giỏi quốc gia, thi tốt nghiệp điểm chưa cao có thể coi là một tai nạn, nhưng thi trượt đại học thì không thể. Cô bé đã gồng mình chống đỡ cú sốc thi trượt. Nhưng sau tin nhắn qua lại ngắn ngủi với một người bạn cùng lớp, buồi chiều hôm đó, cả giáo viên chủ nhiệm cùng học sinh mua hoa ùa đến chúc mừng. Điện thoại di động ngày đó nhắn tin không dấu, bạn bè nhầm tưởng "Tớ đỗ rồi".
Đêm muộn, trong nỗi tuyệt vọng tận cùng, cô bé nhắn cho tôi là đang nghĩ đến cái chết.
Tôi đã gặp không ít những học sinh phải chịu áp lực trở thành hoàn hảo: đó là phải thông minh, phải mạnh mẽ, phải thành đạt, và phải nổi tiếng. Nhiều đứa trẻ cũng như phụ huynh, sẽ không chấp nhận được sự thất bại trong khi những người xung quanh đang làm rất tốt.
Giai đoạn này trẻ chủ yếu tỏ ra ngoan cố, không nghe lời, quấy khóc. Lần thứ hai từ 12 đến 16 tuổi, còn gọi là "khủng hoảng tuổi vị thành niên". Ở độ tuổi này, trẻ rất nhạy cảm, dễ cáu gắt, thích nổi loạn, không chấp nhận sự áp đặt của người lớn.
Trẻ vị thành niên phải đối diện với nhiều áp lực: bắt đầu có sự cạnh tranh gay gắt giữa các bạn trong lớp, áp lực điểm số và thành tích học tập, áp lực phấn đấu vào trường danh giá, áp lực từ sự kì vọng của mẹ cha. Cái tôi đang hoàn thiện. Độ tuổi dậy thì nên thay đổi hormone giới tính. Đứng trước một vấn đề, ví dụ thành tích học tập, trẻ sẽ luôn đặt ra những câu hỏi về năng lực học tập, phương pháp học tập, kết quả và sự trưởng thành, khả năng phát triển bản thân trong tương lai.
Trẻ suy nghĩ rất nhiều, nhưng lại chưa chín chắn, rất dễ rơi vào trạng thái cực đoan, đặc biệt là khi trẻ cảm nhận mình đã cố gắng hết sức nhưng không tiến bộ. Những biểu hiện dễ thấy ở trẻ như dễ xúc động bất thường, tính tình trở nên cáu kỉnh, xuất hiện những hành vi xấu, thậm chí là tự hại bản thân.
Cô bé học sinh của tôi, trong cái đêm cùng quẫn ấy, đã hút thuốc lá, chuẩn bị sẵn một chai rượu để uống. Sự có mặt của tôi khi đó, chỉ cần im lặng cũng đã là sự chia sẻ, điều đó giúp cô bé bình tĩnh bởi nó khác hẳn với bài phát biểu tự hào của cha mẹ mỗi khi nói về con gái. Nhìn những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt, tôi nhận ra sự tương phản rất rõ những mảng sáng tối, nó không chỉ là nụ cười rạng rỡ dưới ánh nắng mặt trời hoặc tung tăng tại bữa tiệc bạn bè ăn mừng đỗ đại học.
Cô bé oà khóc nức nở. Tôi mở điện thoại, hỏi số báo danh và tra cứu, thật bất ngờ cô bé không những đỗ mà còn thừa điểm. Hoá ra thầy giáo đã xem nhầm danh sách. Rõ ràng những áp lực về sự hoàn hảo đã suýt nữa đẩy cô bé xuống vực sâu, nhưng cũng chính áp lực ấy giúp cô bé đạt điểm văn và toán khá cao, điều mà trong kì thi tốt nghiệp cô bé không làm được và để vuột mất suất tuyển thẳng đại học.
Làm thế nào giải toả áp lực cho trẻ?
Bộ não của con người có phần quan trọng nhất để phân biệt với động vật, đó là vỏ não trước, nơi phát triển ngôn ngữ, tư duy logic và khả năng suy luận. Vỏ não trước được sử dụng để kiểm soát bản thân. Nhưng nó có một nhược điểm là sẽ bị ức chế khi phải chịu áp lực quá cao.
Ví dụ, khi cãi nhau với người khác, cơn tức giận lên tới đỉnh điểm có thể chẳng nói được lời nào. Tại sao lại không nói được? Tại vì áp lực quá lớn khiến vỏ não trước bị ức chế, đây là đặc điểm quan trọng của vỏ não trước, nó nhạy bén và tinh tế khi gặp áp lực vừa phải, nhưng lại dễ dàng bị ức chết khi chịu một áp lực quá cao.
Khi vỏ não trước bị ức chế, thì hạch nhân ở não giữa sẽ tiếp quản, đây là bộ phận thiên về cảm xúc. Do đó, khi phải chịu áp lực quá mức, vỏ não trước mất tác dụng kiểm soát trong khi hạch nhân bị kích thích tiết ra các hormone căng thẳng, nó làm cho đứa trẻ trở nên cáu kỉnh, la hét hoặc lảng tránh, im lặng, có thể rơi vào trạng thái bạo lực hay tiêu cực.
Bình thường, hormone căng thẳng tăng lên nhanh chóng nhưng cũng hồi phục nhanh chóng. Nếu hormone căng thẳng không giảm thì là có vấn đề. Lúc này tuyến thượng thận tiết ra cortisol, một chất chống lại sự căng thẳng kéo dài, nhưng nếu tình trạng này kéo dài nhiều ngày tháng thì cortisol sẽ làm suy yếu những tế bào ở hồi hải mã, lâu ngày sẽ phá huỷ chúng. Hồi hải mã là nơi tạo ra và lưu trữ những kí ức. Đây là lí do tại sao đứa trẻ bị áp lực quá mức, sẽ rất khó khăn khi học tập, càng học càng thất bại.
Sự phát triển của vỏ não trước bắt nguồn từ chính bố mẹ. Ngay từ khi mới sinh cho đến những năm tháng tuổi ấu thơ, nếu đứa trẻ được vui chơi thoả thích, được khuyến khích tìm hiểu và quyết định các vấn đề, thì vỏ não trước sẽ phát triển. Ngược lại, nếu bố mẹ suốt ngày mắng mỏ, đe doạ, đánh đập hay những hành vi gây ức chế khác, thì vỏ não trước ngừng hoạt động và không phát triển ngoại tuyến, nó trao toàn quyền cho hạch nhân. Giải pháp của hạch nhân sẽ là chiến đấu hoặc khuất phục. Thông thường trẻ sẽ biểu hiện bề ngoài rất ngoan ngoãn, nịnh hót cha mẹ, phục tùng răm rắp, mục đích của sự giả vờ là để tạo nên sự an toàn.
Bởi vậy, để trẻ phát triển vỏ não trước, thì cha mẹ phải tạo không gian để đứa trẻ cảm thấy có quyền tự kiểm soát. Các vụ tự sát ở lứa tuổi thanh thiếu niên chủ yếu xuất phát từ sự mất kiểm soát. Căng thẳng cấp tính hay mãn tính đều có thể gây ra tự tử.
Sau khi hiểu được cơ chế gây áp lực của não bộ, cha mẹ sẽ biết cách ứng xử phù hợp trong từng tình huống. Ví dụ đứa trẻ không làm bài tập về nhà. Thay vì mắng mỏ, người mẹ chỉ cần nói mẹ rất yêu con, nhưng nếu con hoàn thành hết bài tập thì mẹ sẽ yêu hơn.
Tôi cho rằng trẻ em đến với thế giới này chỉ thông qua cha mẹ, chúng không thuộc về cha mẹ, trẻ em không phải là "tài sản" sở hữu riêng của bố mẹ, chúng chỉ ra đời trong cơ thể bố mẹ. Giáo dục trẻ cần sự hiểu biết và kiên nhẫn. Các nghiên cứu cho thấy hơn một phần ba số phụ huynh sẽ phát điên lên khi dạy con học bài. Với trẻ cũng vậy. Một khi trẻ chẳng hiểu bố mẹ đang dạy cái gì, thì có ép học thế nào cũng trở nên vô ích, học xong lại quên, không thích học. Cho nên, chỉ có sự hiểu biết và kiên nhẫn mới dạy được trẻ. Điều quan trọng khi làm cha mẹ là học cách lùi một bước. Không phải việc gì cũng ép trẻ làm theo ý mình. Đứa trẻ phải sống cuộc đời của chính nó, chịu trách nhiệm về những gì tự lựa chọn. Bố mẹ đừng quá nghiêm trọng, chỉ cần giải thích rõ ràng, trao quyền tự quyết định cho trẻ.
Cha mẹ không phải là huấn luyện viên.
Một số bậc phụ huynh đã nhầm lẫn tệ hại, muốn thay vai trò của giáo viên, làm luôn cả công việc của huấn luyện viên, nên bị thất bại khi dạy con. Cha mẹ là yêu thương con hết mình. Việc dạy dỗ cũng nằm trong chính sự yêu thương ấy. Huấn luyện viên ngược lại, họ độc đoán và quyết liệt, nhưng kết quả đào tạo lại rất tốt, bởi vì công việc của họ là chuyên môn; giáo viên cũng vậy.
Cha mẹ khi dạy con phải bằng tình thương yêu, hãy để trẻ tự quyết định các vấn đề, giúp trẻ hình thành sự tự tin và có tinh thần trách nhiệm, để trẻ thấy gia đình là hạnh phúc và an toàn, nuôi dưỡng động lực bên trong đứa trẻ, xây dựng lòng nhân ái và tính trung thực.
Đừng nhìn chằm chằm vào kết quả để đánh giá. Giảm bớt các yêu cầu về điểm số và đừng lúc nào cũng chăm chú vào bài tập về nhà. Thực tế xã hội này đã và sẽ thay đổi rất nhiều, không phải là một xã hội công nghiệp hóa kiểu mẫu đơn thuần, nên học nghề gì, làm nghề gì và trở thành người như thế nào không đơn giản, không thể tính toán sắp đặt trước.
Khi cha mẹ chỉ biết nhìn con qua điểm số, qua thứ hạng, thì đó là cách hướng con trở nên ích kỷ, tức là con sẽ chỉ chăm chăm vào việc nhỏ nhặt này, trong khi thế giới đang rất rộng. Xã hội hiện đại hôm nay, với rất nhiều ngành nghề khác nhau, thế giới của trẻ em sẽ ngày càng trở nên rộng lớn hơn, vì thế mà cha mẹ không nên quá lo lắng. Hãy để trẻ em tự chủ, hãy dành cho trẻ tình yêu thương từ trái tim, để trẻ sẵn sàng lớn lên và trở thành chủ nhân của chính mình.