La Nina đến muộn hơn, miền Trung bước vào cao điểm mưa lũ
TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết, theo mô hình mới cập nhật từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), phải tới nửa sau tháng 9/2024 thì La Nina mới xuất hiện.
Cũng theo phiên bản cập nhật mới này, La Nina sẽ tồn tại không lâu (tới khoảng tháng 2/2025 là kết thúc rồi có thể chuyển sang giai đoạn trung tính. Giai đoạn trọng điểm có La Nina hoạt động mạnh là vào tháng 10 và tháng 11, trùng với mùa mưa bão miền Trung nước ta.
"Hiện tại chỉ có thể đưa ra nhận định là mưa bão nhiều hơn, nguy cơ lụt nhiều hơn trong tháng 10 và tháng 11 năm nay ở miền Trung nhưng tính biến động ở giai đoạn đầu pha La Nina cũng sẽ cao nên thời tiết sẽ rất thất thường", TS Nguyễn Ngọc Huy nói
Ông Hoàng Đức Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết hiện nay, hiện tượng El Nino đang suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính. Dự báo có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina trong các tháng cuối năm 2024.
"Biến đổi khí hậu tiếp tục tác động làm gia tăng tính cực đoan gồm cả tối thấp và tối cao, nên năm 2024 dự báo sẽ có diễn biến thiên tai phức tạp gồm cả nắng nóng, hạn mặn, dông lốc mưa đá hơn mức bình thường vào nửa đầu năm và mưa, bão, lũ, ngập lụt xuất hiện nhiều, tập trung vào nửa cuối năm. Đây là kịch bản tác động khá giống với hình thái diễn biến ENSO năm 2020", ông Hoàng Đức Cường nhận định.
Dự báo, mưa lớn sẽ tập trung ở Trung Bộ tháng 9-11. Mưa lớn cục bộ với cường suất lớn từ 50-100mm trong 3- 6 giờ có khả năng xuất hiện nhiều trong thời gian tới, đề phòng gây sạt lở và lũ quét ở vùng núi, ngập úng đô thị. Đặc biệt, cảnh báo kịch bản La Nina tác động vào nửa cuối năm 2024, có thể xuất hiện các đợt mưa tập trung nhiều trong các tháng cuối năm 2024 tại Trung Bộ.
"Mưa lớn, bão, ngập lụt và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở miền Trung trong giai đoạn nửa cuối năm 2024 có dấu hiệu tương tự với mùa mưa bão năm 2020", ông Hoàng Đức Cường lưu ý.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, từ tháng 9, La Nina tác động trùng với thời điểm mưa bão, lũ ở miền Trung. Với sự ảnh hưởng này, tình hình mưa bão, lũ ở Trung Bộ khả năng xảy ra dồn dập trong khoảng nửa cuối tháng 9, tháng 10 và tháng 11 năm nay.
Vào những năm La Nina tác động thì diễn biến mưa bão lũ khốc liệt hơn so với những năm bình thường. Gần đây nhất là năm 2020 cũng có kịch bản ENSO tương đồng khi đầu năm trạng thái El Nino và cuối năm chuyển sang pha La Nina. Năm 2020 là năm kỷ lục của nhiều loại hình thiên tai.
Số lượng bão/áp thấp nhiệt đới nhiều hơn bình thường, mùa mưa dồn dập hơn ở Trung Bộ. Có những điểm ở miền Trung có tổng lượng mưa cao vượt lịch sử (lượng mưa cao gấp 3 - 4 lần so với trung bình nhiều năm). Từ những bài học kinh nghiệm trong những năm La Nina, người dân cần cập nhật thông tin cảnh báo thường xuyên để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản khi xảy ra thiên tai. Các địa phương cần chủ động thường xuyên rà soát các điểm xung yếu về lũ quét, sạt lở đất trước mùa mưa bão và trước các đợt mưa lớn để đảm bảo an toàn cho nhân dân.
Theo cơ quan khí tượng, tháng 8/2024 đúng là một tháng có nhiều điều bất thường, nền nhiệt trung bình cả nước tháng 8/2024 đạt 28.3 độ C - cao nhất trong chuỗi số liệu lịch sử quan trắc được.
Trong tháng 8/2024 cũng không xuất hiện cơn bão/áp thấp nhiệt đới nào trên Biển Đông. Nếu tính từ năm 1963 tới giờ, chỉ có 5 năm là 1980, năm 1985, năm 1988 mà tháng 8 không xuất hiện bão/áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên Biển Đông. Nếu tính cả tháng 8 năm 2024, từ năm 1963 tới giờ mới có 6 năm tháng 8 không xuất hiện bão/áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Dự báo từ nay đến cuối năm 2024 diễn biến khí tượng, thủy văn cả nước tiếp tục biến động khó lường.
Quy luật lũ lụt 60 năm liệu có lặp lại?
Ông Nguyễn Văn Hưởng dự báo, từ tháng 9-11/2024, hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm là 5,9 cơn), trong đó số cơn đổ bộ vào đất liền cao hơn so với trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm là 2,9 cơn) và tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh thành phía Nam. Đề phòng khả năng bão, áp thấp nhiệt đới hình thành ngay tại Biển Đông.
Về diễn biến mưa, tổng lượng mưa ở khu vực Bắc Bộ từ tháng 9-10/2024 phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 10-30%. Tháng 11/2024, khi bắt đầu chuyển sang mùa đông, tổng lượng mưa phổ biến thấp hơn từ 10-30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Ở Trung Bộ, mùa mưa bão bắt đầu từ tháng 9 và kéo dài đến cuối năm, từ tháng 9-11/2024, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn 10-30% so với trung bình nhiều năm. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ từ tháng 9-11/2024 cũng có mưa nhiều hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 5 - 20%.
Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lo ngại, tình trạng mưa lũ có thể ngày càng thất thường và kéo dài trong thời gian tới. Ví dụ những năm Giáp Thìn thường xảy ra lũ lụt rất lớn như năm 1964, đây là quy luật 60 năm lặp lại nên những người làm công tác về phòng, chống thiên tai rất lo lắng, biểu hiện đã rất rõ ở đầu mùa mưa lũ.
"Chính vì vậy, đơn vị đã chủ động ứng phó với tình trạng cực đoan của thời tiết ngày càng khốc liệt. Đây chính là những điều chúng tôi rất lo ngại về việc đảm bảo an toàn hệ thống đê điều. Chúng tôi đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều. Đồng thời, tiếp tục rà soát các vị trí xung yếu, có thể xảy ra mất an toàn để kịp thời xử lý những sự cố có thể xảy ra", ông Luận cho biết,
Xem thêm video đang được quan tâm:
Làm sao để phân biệt bạch hầu với các bệnh khác ở họng? | SKĐS