Hà Nội

Chu kỳ của Mặt trăng và bí ẩn liên quan đến sức khỏe con người

19-08-2019 13:00 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển nhân loại, các quốc gia trên khắp thế giới đều tôn thờ Mặt trăng như một biểu tượng linh thiêng, huyền bí nắm giữ sức mạnh chi phối đời sống con người cả về tâm linh và sức khỏe.

Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển nhân loại,  các quốc gia trên khắp thế giới đều tôn thờ Mặt trăng như một biểu tượng linh thiêng, huyền bí nắm giữ sức mạnh chi phối đời sống con người cả về tâm linh và sức khỏe.

Ngày nay, biểu tượng Mặt trăng vẫn gắn liền không thể tách rời trong đời sống tinh thần của con người, đồng thời nhiều nghiên cứu cũng được tiến hành để đánh giá tác động của Mặt trăng toàn diện đến các sinh vật sống, thiên nhiên trên địa cầu. "Trăng có thể tác động như một ám hiệu đồng bộ giữa các cá thể, là một ám hiệu cho những thông số môi trường khác như thủy triều, nguồn thức ăn, báo hiệu sinh sản theo nhịp mùa hay di cư..." nhà sinh học Noga Kronfeld-Schor người Israel cho biết. Trong tự nhiên, các nhà nghiên cứu ghi nhận sự kiện đẻ hàng loạt do mặt trăng kích thích xảy ra vào tháng 12 hàng năm ở Rạng San hô lớn ở Australia. Mỗi năm, hàng trăm loại san hô cùng nhau phóng thích tinh trùng và trứng đồng thời vào dịp trăng tròn. Hoặc đơn giản hơn như kiểu trao đổi thông tin thay đổi theo mức ánh sáng tăng lên vào đêm tối với những loài chim nhất định. Hoặc các loài động vật biển thường phản ứng nhiều hơn với các cơ hội đi cùng sự biến đổi thủy triều - do tác động của Mặt trăng gây ra.

Mặt trăng ảnh hưởng đến các cơ chế sống như vậy trên Trái đất và con người tin rằng nó cũng ảnh hưởng đến các khía cạnh khác nhau của sức khỏe cả về thể chất và tinh thần của loài người.

Mặt trăng và chu kỳ kinh nguyệt

Nhiều người vẫn gọi chu kỳ kinh nguyệt là "chu kỳ mặt trăng" và không ít người vẫn tin rằng có sự đồng bộ giữa các chu kỳ của Mặt tẳng và kinh nguyệt của phụ nữ. Niềm tin này xuất phát từ khái niệm rằng trung bình một chu kỳ kinh nguyệt kéo dài 28 ngày, dài bằng một chu kỳ mặt trăng. Mặt trăng mất 27 ngày, 7 giờ và 43 phút để quay một vòng quanh Trái đất và 29,5 ngày để trăng tròn. Trong thập niên 70,80 và 90 của thế kỷ trước, các nghiên cứu cho thấy chu kỳ rụng trứng trùng với thời kỳ trăng non, trăng mới. Một số nghiên cứu cho thấy mối tương quan giữa các chu kỳ của mặt trăng và sự thay đổi của nồng độ melatonin - một loại hooc môn giúp điều chỉnh chu kỳ thức - ngủ và giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt. Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Nepah cho thấy những phụ nữ có chu kỳ rụng trứng trùng với giai đoạn trăng tròn có nhiều khả năng mang thai con trai và những phụ nữ thụ thai trước chu kỳ trăng tròn có nhiều khả năng sinh con gái.

Mặt trăng và giấc ngủ

Trong nghiên cứu vào năm 2013, Tiến sĩ Cajochen và nhóm của mình từ Đại học Basel, Thụy Sĩ đã tiến hành phân tích dữ liệu với 17 tình nguyện viên từ 20 -31 tuổi và 16 tình nguyện viên khỏe mạnh ở độ tuổi 57. Những người này đồng ý ngủ trong những căn phòng tối, không có cửa sổ trong thời gian nghiên cứu 3,5 ngày. Trong thời gian này, các nhà nghiên cứu đo lường sự thay đổi cấu trúc giấc ngủ, hoạt động của não trong khi ngủ cũng như mức độ melatonin, cortisol. Kết quả cho thấy vào đêm trăng tròn hoạt động não bộ liên hệ với giấc ngủ sâu sụt giảm 30% đồng thời họ cũng cần 5 phút lâu hơn để chìm vào giấc ngủ đồng thời ngủ ít hơn bình thường khoảng 20 phút. Ngoài ra, các tình nguyện viên ngủ không sâu giấc và mức độ melatonin cũng giảm xuống thấp nhất vào ngày trăng tròn. Các nhà nghiên cứu không thể giải thích điều này vì các tình nguyện viên tham gia ngủ trong môi trường hoàn toàn tối không tiếp xúc với ánh trăng vào chu kỳ trăng tròn. "Chu kỳ mặt trăng dường như ảnh hưởng đến giấc ngủ của con người ngay cả khi người ta "không nhìn thấy" hay "không tiếp xúc" với ánh trăng" - Tiến sĩ Cajochen cho biết.

Mặt trăng và sức khỏe tinh thần

Thuyết Mặt trăng hay hiệu ứng Mặt trăng cho rằng có mối liên hệ giữa các chu kỳ của Mặt trăng với sức khỏe tinh thần con người. Trong từ điển có các từ liên quan đến mặt trăng như "lunacy" nghĩa là "điên rồ, mất trí" hay "lunatic" có nghĩa là điên loạn đều bắt nguồn từ "luna" (mặt trăng trong tiếng La tinh).

Thời Trung Cổ, ở Châu Âu thịnh hành niềm tin vào hiệu ứng mất trí đêm trăng tròn hay còn gọi là hiệu ứng Transylvania khi con người biến thành người sói hoặc ma cà rồng khi trăng tròn. Giới khoa học ngày nay cũng cho rằng mặt trăng đôi lúc có thể tác động đến trạng thái tâm lý của con người: Do mặt trăng tác động đến sự lưu chuyển của nước trong cơ thể sinh vật, trong khoảng thời gian này các hoạt động trong tự nhiên tăng tốc nhanh chóng cho tới khi cực hạn. Điều này lý giải tại sau một số người thường bị mất ngủ, dễ cáu kỉnh. Đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhiều nhất vào các đêm trăng tròn chính là những người bị bệnh tâm thần, do họ dễ kích động khi bị khiêu khích. Một nghiên cứu năm 1984 cho thấy tỷ lệ tội phạm có khả năng tăng vào những đêm trăng tròn. Các tác giả của nghiên cứu này cho biết điều này có thể do "sóng thủy triều của con người" gây ra bởi lực hấp dẫn của mặt trăng. Nghiên cứu gần đây năm 2009 cho thấy các bệnh viện tâm thần đã tiếp nhận nhiều hơn 23% bệnh nhân vào các thời điểm trăng tròn so với các chu kỳ trăng khác.


Huệ Minh
Ý kiến của bạn