Hà Nội

Chủ hộ kinh doanh cá thể sẽ tham gia đóng BHXH bắt buộc?

14-03-2023 11:12 | Xã hội
google news

SKĐS - Nếu đề xuất bổ sung nhóm chủ hộ kinh doanh vào diện tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc được thông qua, sẽ có thêm khoảng 5,1 triệu người tham gia BHXH bắt buộc.

Tại Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) xây dựng đang lấy ý kiến, dự kiến luật bổ sung thêm ba nhóm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm: Chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; người lao động làm việc không trọn thời gian (làm việc bán thời gian).

Theo Bộ LĐ-TB&XH, ba nhóm đề xuất tham gia BHXH bắt buộc kể trên luật hiện hành còn "bỏ sót" dù có nhu cầu và khả năng tham gia BHXH bắt buộc, nhưng chưa được luật hoá.

Đề xuất chủ hộ kinh doanh cá thể tham gia đóng BHXH bắt buộc - Ảnh 1.

Đề xuất đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hơn 5 triệu chủ hộ kinh doanh cá thể. (Ảnh minh họa)

Hiện nay, cả nước có hơn 5,1 triệu hộ kinh doanh cá thể, gấp 6 lần số lượng doanh nghiệp. Và theo số liệu cơ quan thuế quản lý thì cả nước có hơn 1,7 triệu lượt hộ nộp thuế. Tuy nhiên, hiện nay nhóm này chưa thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, chỉ có rất ít chủ hộ kinh doanh cá thể hiện đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước năm 2022, cả nước có khoảng 29.000 hợp tác xã hoạt động, thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia, trong đó có 970.000 người lao động làm việc trong khu vực hợp tác xã. Tuy nhiên, theo báo cáo của cơ quan Bảo hiểm xã hội thì hiện nay mới có gần 7.000 hợp tác xã đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho khoảng 40.000 người lao động.

Qua kết quả khảo sát tại một số địa phương cũng cho thấy, nhiều người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương có nguyện vọng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Vì vậy, lần sửa đổi Luật này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm: Chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; người lao động làm việc không trọn thời gian.

Bộ LĐ-TB&XH nhận định, nếu bổ sung thêm chủ hộ kinh doanh tham gia BHXH bắt buộc sẽ có thêm khoảng 5,1 triệu người tham gia BHXH bắt buộc. Mức đóng BHXH cụ thể theo lựa chọn của chủ hộ kinh doanh, trên cơ sở tiền lương (thu nhập) tính đóng BHXH được luật định từ 2-36 triệu đồng/tháng.

Với người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng lương, khi quy định tham gia BHXH bắt buộc, hàng tháng sẽ phát sinh thêm chi phí đóng BHXH tương tự như với chủ hộ kinh doanh cá thể.

Với người làm việc không trọn thời gian tham gia BHXH bắt buộc, người lao động và chủ sử dụng sẽ đóng dựa trên mức thu nhập hằng tháng (tối thiểu 2 triệu đồng/tháng trở lên).

Trong đó, người lao động đóng 8% tính trên tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất; người sử dụng lao động đóng cho người lao động 14% vào quỹ hưu trí tử tuất và 3% vào quỹ ốm đau thai sản.

Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, quy định mới kể trên nếu được thông qua sẽ làm phát sinh thêm chi phí cho người lao động, người sử dụng lao động. Tuy nhiên, bù lại chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp và hợp tác xã không hưởng lương, người làm việc theo giờ sẽ được bảo vệ khỏi những rủi ro, được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất, mức hưởng theo mức đóng góp (như người lao động làm việc khu vực chính thức).

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được lấy ý kiến nhân dân đến tháng 4, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023 và thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024.

Ngoài đề xuất bổ sung nhóm đóng BHXH bắt buộc, dự luật có nhiều điểm mới như: Thay đổi cách tính lương đóng BHXH; giảm số năm đóng BHXH từ 20 xuống 15 để hưởng lương hưu; hai phương án rút BHXH một lần, tăng thêm trợ cấp với người không có lương hưu, chế độ thai sản với người đóng BHXH tự nguyện.


Như Hoa (t/h)
Ý kiến của bạn