Họa sĩ Chu Ðức Tiến đã có 3 lần tổ chức triển lãm cá nhân về tranh biếm họa. Lần đầu tổ chức tại Hải Dương năm 2003, lần thứ hai tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội năm 2008 và lần thứ ba - năm 2013 tại Hải Dương.
![]() Họa sĩ Chu Đức Tiến. |
Hỏi họa sĩ Chu Đức Tiến về số lượng tranh đã được đăng báo, tạp chí từ ngày đó đến nay, ông không thể nào đưa ra được con số tính cộng đến đơn vị hàng trăm, chỉ nhớ đại thể với khoảng ngót 4 nghìn, đăng trên 40 báo, tạp chí Trung ương, địa phương. Họa sĩ Chu Đức Tiến đã trở thành tên tuổi khá quen thuộc trong nhiều lớp tuổi người đọc, người xem và cũng là một trong vài chục họa sĩ chuyên vẽ biếm họa là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Với báo chí, biếm họa luôn đòi hỏi phải cập nhật, đáp ứng nhanh được nhu cầu thời sự xã hội quan tâm. Nhiều vấn đề xã hội là đề tài trở đi trở lại, vậy mà vẫn thể hiện về nó mỗi lần mỗi khác, có sáng tạo và mang tính phát hiện – một tiêu chí khắt khe trong báo chí và nghệ thuật... Làm được điều đó phải có cái duyên riêng, đồng thời là thử thách đối với họa sĩ. Điều quan trọng là bức tranh biếm phải vừa bảo đảm nội dung thời sự, vừa chuyển hóa nó thành ngôn ngữ hài hước, tạo được ấn tượng sâu sắc, dễ nhớ, nhớ lâu đối với người xem. Với ý nghĩa là tranh vui thì tính chất vui, gây cười là trên hết. Nhưng với ý nghĩa là biếm họa thì ngoài tính chất hài hước còn phải chứa đựng nội dung châm biếm. Châm biếm mà vẫn vui... - đó là tiêu chí của biếm họa...
![]() Tranh biếm họa của Chu Đức Tiến. |
Trong suốt 50 năm vẽ tranh biếm họa, từ giai đoạn đầu, khi mới cầm bút vẽ cho đến các giai đoạn sau này, Chu Đức Tiến đã sớm “đứng” được với rất nhiều tranh vui và tranh đả kích. Tranh vui của ông trải rộng ở nhiều phạm vi với mọi lứa tuổi, từ học sinh (trẻ con) đến ông già; từ thôn xóm đến công xưởng, cơ quan; từ cán bộ, nhân viên đến quan chức; từ thời bao cấp đến thời kinh tế thị trường... Chu Đức Tiến sớm có tranh đăng báo với nội dung phê phán dí dỏm, nhẹ nhàng trong đề tài nhà trường và xã hội. Điều này khiến ông trở thành cộng tác viên có thâm niên với các báo Thiếu niên Tiền phong, Hoa học trò, Nhi đồng... Nhiều người còn nhớ những tranh có cách đây 50 năm như với các tranh học sinh lười học ăn “ngỗng” điểm; học trò nói dối nhau đi học nhóm nhưng thực chất là đọc truyện Tây du ký...; những biểu hiện thiếu cảnh giác trong phòng tránh, đánh máy bay địch; cảnh thời bao cấp, người xếp hàng mua lương thực đã đợi quá 12 giờ trưa nhưng nhân viên bán hàng vẫn đưa tấm biển “Phải đủ 20 người mới viết hóa đơn”; chuyện vi phạm nguyên tắc, tham ô, lãng phí, chuyện chức quyền, thói trăng hoa... Rất nhiều tình huống, hoàn cảnh, đối tượng, lứa tuổi... vào tranh Chu Đức Tiến. Ngay từ những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc, chống Mỹ ngụy ở miền Nam thập kỷ 60-70 của thế kỷ trước..., tác giả có khá nhiều tranh đả kích địch mang tính hài hước, mỉa mai, dí dỏm mà hóm hỉnh... cũng là tranh toát lên ý chí coi thường hiểm nguy, coi thường tên “đế quốc to” và là bản lĩnh của người Việt Nam trước “ưu thế của không lực Hoa Kỳ”, trước tên “sen đầm quốc tế”... Còn đề tài về chống tiêu cực, chống tham nhũng ở giai đoạn sau này thì không thể kể hết số tranh của ông. Như vậy, Chu Đức Tiến là người viết lịch sử bằng tranh biếm. Tranh của ông toát lên ý nghĩa xã hội của cả một thời.
Sức làm việc của Chu Đức Tiến khá bền bỉ. Ông thường gửi đều đặn hàng chục bức tranh cho nhiều tờ báo với các nội dung đề tài khác nhau. Nhiều báo chí đã trở thành thân quen, ban biên tập chỉ cần gọi điện nêu nội dung, đề tài cần có, rất nhanh chóng, thậm chí ngay trong ngày, ông đã đem tới hàng chục bức tranh. Đó là sự nhanh nhạy thường trực của một người chuyên vẽ biếm họa. Có cuộc thi và triển lãm biếm họa cấp quốc gia, ông dự thi tới 40-50 tranh. Tại nhiều cuộc thi biếm họa của báo chí Trung ương và cuộc thi biếm họa chuyên đề cấp toàn quốc, Chu Đức Tiến đoạt nhiều giải. Gần đây, tại cuộc thi biếm họa của tỉnh Hải Dương năm 2012, ông đoạt 2 giải Nhì, 1 giải Ba, 1 giải Khuyến khích và có nhiều tranh được chọn in trong tuyển tập...
Điều đáng chú ý là về thủ pháp sáng tác của Chu Đức Tiến: Ông có lối vẽ biếm họa sở trường, có thể gói ghém trong nhiều phương pháp thể hiện. Đó là khai thác những điều mâu thuẫn, đối nghịch rất cụ thể thường thấy trong cuộc sống hằng ngày. Từ đó dùng lối liên tưởng, đặt nó trong những tình huống ngộ nghĩnh, gây cười. Có thể coi đây là một phẩm chất về sự cần cù, sự tinh nhạy trong quan sát, tiếp xúc, từ đó mà có ý tưởng cho tranh.
Ông cũng là họa sĩ “thâm canh” nghĩa đen về ngôn từ, đưa nó thành nghĩa bóng. Đây là một sở trường phổ biến nhất, một phương pháp tư duy biếm họa của Chu Đức Tiến.
Ngược lại, ông cũng rất hay biến nghĩa bóng thành nghĩa đen, đặt những vấn đề to tát thành cái cụ thể, tầm thường. Đó là sự đào sâu suy nghĩ rất đáng chú ý.
Chu Đức Tiến cũng tỏ ra là một “chuyên gia” dùng lối nói ẩn dụ, ngôn ngữ gián tiếp để tạo nên ý và tứ cho tranh biếm của mình.
Cũng như nhiều họa sĩ biếm khác, Chu Đức Tiến thường xuyên sử dụng phương pháp “gây hiểu lầm”, đưa tình huống (vẽ) ở góc này nhưng nhân vật lại ở một góc khác, làm cho người xem thì thấy mà nhân vật thì không... y như tình huống kịch trên sân khấu... tạo ra sự hấp dẫn.
Ngoài ra, một vấn đề rất có giá trị khác nữa ở tranh biếm Chu Đức Tiến là “đem voi bỏ lọ”. Đưa vấn đề “to tát” thành “chuyện nhỏ”. Đó là lối hình tượng hóa sự việc, là “đẳng cấp” tay nghề của người vẽ, tạo nên cái bất ngờ đối với người xem.
Tranh vui - biếm họa của Chu Đức Tiến đã tạo được nét riêng, đó là phương pháp đơn giản hóa hình tượng, loại bỏ hoàn toàn chi tiết, cường điệu những chỗ cần nhấn nhá để người xem tập trung, chú ý. Thường thấy những nhân vật trong tranh của ông đầu to, mình nhỏ, chân tay bé nhưng trông vẫn khá thuận mắt. Những vẻ mặt khóc, cười, kiêu hãnh, ngây ngô, tinh quái, buồn rầu... đủ cả và rất ấn tượng khiến người xem “cảm” được tinh thần của bức tranh. Đó là cái thành công ẩn lặn trong ngôn ngữ đường nét sớm định hình và được thể hiện trong suốt nửa thế kỷ thủy chung với loại tranh biếm họa của Chu Đức Tiến.
Hà Huy Chương