Giữ ký ức Chu Ru xưa
Phòng trưng bày văn hóa Chu Ru, nằm trong khuôn viên Giáo xứ Ka Đơn (xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng), được Linh mục Quản xứ Giáo xứ Ka Đơn Phêrô Trần Quốc Hưng Long thực hiện từ năm 2015. Căn phòng rộng khoảng 200 m2, bên trong chia thành nhiều không gian nhỏ. Mỗi gian nhỏ trưng bày một bộ hiện vật hoặc nhiều bộ hiện vật có quan hệ gần gũi của nhiều lĩnh vực đời sống: nông cụ, nhạc cụ, phục trang, đồ nghi lễ... Tất cả hiện vật ở đây đều được chú thích bằng tiếng Việt và tiếng Chu Ru.
"Năm 2014, khi chuẩn bị khánh thành Nhà thờ Ka Đơn, thấy trong nhà kho cũ có rất nhiều vật dụng sinh hoạt và cả những vật dụng nghi lễ của người Chu Ru, nên cho xây dựng mới căn phòng này để làm nơi trưng bày, lưu giữ", Linh mục Phêrô Trần Quốc Hưng Long chia sẻ.
Thể hiện sự tôn trọng chủ thể sáng tạo ra hiện vật, tôn trọng cộng đồng, phòng trưng bày văn hóa Chu Ru được Linh mục Phêrô Trần Quốc Hưng Long lên ý tưởng thật giản dị, khiêm tốn, gần gũi, phản ánh chân thực đời sống văn hóa tộc người Chu Ru.
Tại không gian trưng bày nông cụ, các hiện vật đã chuyển tải tới người xem về một miền đất trù phú, nơi xưa kia người Chu Ru chọn để tụ cư, cùng cách thức sinh sống của cư dân nơi đây. Qua hiện vật có thể thấy, người Chu Ru trước đây cũng trồng lúa và canh tác các loại hoa màu, cũng như biết săn bắn thú rừng, đánh bắt cá để lấy lương thực, thực phẩm phục vụ cuộc sống hàng ngày.
Cách thức sinh sống như vậy, hẳn nhiên sinh ra những nghề thủ công bổ trợ: Dệt vải, đan lát, làm gốm và rèn công cụ... Ở không gian trưng bày cồng chiêng, người xem như chìm đắm vào những âm thanh rộn rã của cồng chiêng, cùng nhiều loại nhạc cụ khác được chế tác từ những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên.
Nơi trưng bày những ché đựng rượu, nhiều loại ché đủ các kích thước như kể với người xem về hương say ngất ngây của rượu cần. Gian trưng bày về nghi lễ rất đa dạng, bao gồm các hiện vật trong nghi lễ nông nghiệp và những hiện vật trong nghi lễ đời người, từ khi lọt lòng đến lúc về với thế giới ông bà.
Ngoài ra, Phòng trưng bày văn hóa Chu Ru còn trưng bày mô hình nhà sàn truyền thống của người Chu Ru, cũng như trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồ trang sức và cả những thứ tưởng đã trôi vào dĩ vãng cộng đồng như chiếc cối xay lúa, cái đòn xóc, cái lược chải chấy, bộ đồ nghề của thầy cúng... làm nên một sắc thái văn hóa đậm màu Chu Ru.
"Mỗi hiện vật ẩn chứa một dấu nét văn hóa, cũng chính là những minh chứng lịch sử sống động về mảnh đất và con người nơi đây. Những hiện vật được trưng bày, lưu giữ tại Phòng trưng bày văn hóa Chu Ru là để người đời sau biết người xưa đã sống, lao động và sáng tạo ra nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, mang tính cộng đồng rất cao", Linh mục Phêrô Trần Quốc Hưng Long cho hay.
Hồi sinh nghề truyền thống của đồng bào Chu Ru
Theo ông Nguyễn Hoàng Nam, Phụ tá Linh mục Quản xứ Giáo xứ Ka Đơn Phêrô Trần Quốc Hưng Long, Cha Long là người tiếp tục công việc bảo vệ, duy trì, gìn giữ văn hóa bản địa Chu Ru mà Linh mục Quản xứ Giáo xứ Ka Đơn Giuse Nguyễn Đức Ngọc tiền nhiệm đã thực hiện từ nhiều năm trước.
Cùng với việc lưu giữ kiến trúc Nhà thờ Ka Đơn đơn sơ, khiêm tốn, đậm nét văn hóa bản địa, Cha Long đã bàn bạc với các nghệ nhân còn giữ nghề truyền thống của người Chu Ru: Làm gốm, chế tác nhẫn bạc, đan lát để tìm hướng phục hồi, rồi chung tay tìm đầu ra cho các sản phẩm gốm, nhẫn bạc, đan lát. "Cha Long còn dành hẳn một không gian rộng tại Nhà thờ Ka Đơn để trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm thủ công truyền thống cho cư dân bản địa Chu Ru", ông Nguyễn Hoàng Nam tâm sự.
Nghệ nhân Ma Li cũng rất phấn khởi, vì nhờ có Cha Long mà nghề gốm cổ truyền của người Chu Ru dần được khơi dậy và tiếp nối. "Từ xa xưa, gốm mộc Chu Ru đã rất nổi tiếng, được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng Chu Ru, K’Ho, Kinh... Thế rồi, môi trường xã hội thay đổi, rất ít người Chu Ru còn làm và sử dụng đồ gốm. Nghề làm gốm ngày càng mai một và có nguy cơ thất truyền. Cha Long đã khơi dậy nghề gốm cổ truyền của người Chu Ru", nghệ nhân Ma Li cho biết.
Theo nghệ nhân Ma Li, các sản phẩm gốm mộc của người Chu Ru hiện rất đa dạng, từ mẫu mã đến công năng sử dụng. Các sản phẩm gốm Chu Ru có thể dùng trong căn bếp, trên bàn ăn, nơi thờ tự, thậm chí làm điểm nhấn sang trọng trong các thiết kế nội thất, ngoại thất, tiểu cảnh sân vườn...
Ông Phùng Quốc Minh, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đơn Dương, nhìn nhận cái làm cho các sản phẩm gốm mộc Chu Ru trở nên đặc biệt chính là chất đất ở K’răng Gọ và quy trình tạo tác không cần bàn xoay, mà hoàn toàn bằng đôi tay khéo léo của nghệ nhân. Tương tự, nghề chế tác nhẫn bạc và nghề đan lát của người Chu Ru cũng rất độc đáo, đậm chất truyền thống dân tộc Chu Ru.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Thông điệp 5T- Pháo đài chống dịch COVID-19 trong tăng cường giãn cách xã hội