PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Ban Quản lý Các dự án hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã đánh giá cao sự nỗ lực của Ban Quản lý dự án các tỉnh, thành phố đã phối hợp triển khai Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS trong suốt những năm qua. Sự nỗ lực của các địa phương đã cùng Ban Quản lý dự án Trung ương giúp Dự án cơ bản hoàn thành các mục tiêu của dự án và nhiều năm liền đều được Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét xếp hạng A1.
Trong 6 tháng đầu năm mặc dù hình hình dịch COVID 19 đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các hoạt động dự án, tuy nhiên nhiều hoạt động của dự án cũng đã được các địa phương cố gắng triển khai. Trong 6 tháng đầu năm toàn dự án đã giải ngân được khoảng 60% kế hoạch của cả năm 2020. Tuy nhiên tại nhiều địa phương việc phê duyệt kế hoạch năm 2020 cũng như triển khai các hoạt động còn rất chậm.
Hiện tình hình dịch HIV ở Việt Nam vẫn chứa đựng rất nhiều yếu tố phức tạp, do vậy nếu các địa phương không nỗ lực, Việt Nam sẽ khó kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Vì vậy, lãnh đạo các Sở Y tế cần tăng cường chỉ đạo chương trình phòng, chống HIV/AIDS nhất là tăng cường nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS nhất là các cán bộ chuyên môn; đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động chuyên môn trong phòng, chống HIV/AIDS từ dự phòng đến giám sát, tư vấn xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS. Giai đoạn tới vấn đề đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS là hết sức quan trọng, do vậy các địa phương cần chủ động xây dựng đề án đảm bảo tài chính cho cả giai đoạn 2021-2030.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng yêu cầu Lãnh đạo Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật các tỉnh trong thời gian tới cần:
Bám sát vào chức năng nhiệm vụ của các đơn vị để triển khai toàn diện các hoạt động theo quy định. Trong giai đoạn vừa qua có sự thay đổi tổ chức trong ngành y tế nhất là tuyến tỉnh, tuyến huyện. Do vậy, chức năng nhiệm vụ các đơn vị cũng thay đổi và con người cũng thay đổi, điều này cũng làm ảnh hưởng đến việc triển khai các hoạt động chuyên môn phòng, chống HIV/AIDS;
Tiếp tục nâng cao năng lực cho cán bộ nhất là cán bộ trong hệ thống phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh có thay đổi, xáo trộn cán bộ trong hệ thống phòng, chống HIV/AIDS;
Các tỉnh cần quan tâm xây dựng sớm đề án đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2021-2023 vì giai đoạn tới nguồn ngân sách hỗ trợ từ trung ương và các tổ chức quốc tế sẽ rất hạn chế. Bộ Y tế sẽ trình Thủ tướng để sớm phê duyệt Chiến lược quốc gia kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 làm cơ sở cho các địa phương có cơ sở pháp lý xây dựng Đề án đảm bảo tài chính và kế hoạch cho công tác phòng, chống HIV/AIDS;
Các địa phương cần quan tâm triển khai có hiệu quả các dự án theo đúng quy định của pháp luật vì đây là nguồn lực quan trọng hỗ trợ cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS cả Trung ương và địa phương...