Theo báo cáo Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu, dự báo gánh nặng kinh tế và xã hội do các bệnh nhạy cảm với BĐKH sẽ tiếp tục gia tăng, do thiếu cán bộ y tế được đào tạo để chủ động thích ứng, các chính sách chưa đầy đủ và cơ sở vật chất chưa đảm bảo. Để chủ động ứng phó với thách thức này, ngày 24/12/2018, Bộ Y tế đã ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của ngành y tế giai đoạn 2019-2030 và tầm nhìn đến 2050.
Nhằm triển khai kế hoạch này, ngày 22 - 23/12, Trường ĐH Y tế công cộng đã tổ chức Hội thảo khoa học “Thích ứng với biến đổi khí hậu” trong khuôn khổ hợp tác với Trường ĐH Queen's University Belfast, UK để đồng triển khai Dự án “Tăng cường khả năng thích ứng Y tế công cộng tại Việt Nam: xây dựng mô hình cảnh báo sớm sử dụng trí tuệ nhân tạo”.
Đây là cơ hội để các nhà nghiên cứu chia sẻ các kết quả nghiên cứu về tính dễ bị tổn thương và năng lực thích ứng với BĐKH của ngành y tế Việt Nam cũng như nhằm tăng cường kết nối các nhà nghiên cứu ở Anh quốc và Việt Nam cùng hợp tác liên ngành trong lĩnh vực y tế công cộng và công nghệ thông tin truyền thông nhằm góp phần tăng cường năng lực thích ứng và chủ động ứng phó với một số bệnh nhạy cảm với BĐKH.
Tham dự buổi Hội thảo có lãnh đạo Cục Quản lý Môi trường y tế - Bộ Y tế, đại diện Hội đồng Anh tại Việt Nam, Ban giám hiệu Trường ĐH Y tế công cộng và sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, các giảng viên, nghiên cứu viên, học viên và sinh viên các trường ĐH, Viện nghiên cứu và các Cơ quan nghiên cứu Y tế công cộng, Y học dự phòng, khoa học sức khỏe... tại Việt Nam.
Đặc biệt, hội thảo còn có sự tham gia trực tuyến của GS. Dương Quang Trung (Chủ tịch ngành Viễn thông ĐH Queen’s Belfast, Giám đốc Nghiên cứu của Viện Hàn lâm kỹ thuật Hoàng gia Vương quốc Anh) trình bày về ứng dụng của công nghệ 5G, Trí tuệ nhân tạo, Big Data trong ứng phó với thiên tai thảm hoạ; TS. Mai Thái Sơn - ĐH Queen’s Belfast - đồng nghiên cứu viên chính của Dự án trình bày về dự án “Tăng cường khả năng thích ứng Y tế công cộng tại Việt Nam: xây dựng mô hình cảnh báo sớm sử dụng Trí tuệ Nhân tạo”; TS. Phùng Trí Dũng - ĐH Griffith Australia trình bày nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi nhiệt độ lên sức khoẻ ở Việt Nam.
Khí hậu khắc nghiệt đặt ra nhiều thách thức cho nền kinh tế, phát triển bền vững và cả hệ thống y tế
PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế đã nhấn mạnh những tác động rất nặng nề của BĐKH và các hiện tượng thời tiết cực đoan không chỉ ảnh hưởng đến môi trường, sự phát triển KT-XH của đất nước mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người và cả hệ thống y tế.
Về mặt sức khỏe, BĐKH và các hiện tượng thời tiết cực đoan đã làm tăng nguy cơ mắc các bệnh sốt xuất huyết, tiêu chảy, tay chân miệng, gia tăng các trường hợp nhập viện, nhất là ở người già và trẻ em trong các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm.
Đối với ngành y tế thì thiên tai, lũ lụt, các hiện tượng thời tiết cực đoan gây phá hủy và làm hư hại các cơ sở y tế, trang thiết bị thuốc men, làm gián đoạn và ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, gia tăng áp lực cho công tác phòng chống dịch bệnh của ngành y tế.
“Nếu chúng ta không thực hiện tốt việc chủ động ứng phó và thích ứng với BĐKH và các hiện tượng thời tiết cực đoan thì việc bị tác động và thiệt hại đối với ngành y tế sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng và trong tương lai sẽ mất nhiều công sức, nguồn lực và thời gian để khắc phục những tác động do BĐKH gây ra cho ngành y tế” - PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, mục tiêu năm 2030 sẽ xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách của ngành y tế trong công tác ứng phó với BĐKH. Cùng với đó là nâng cao nhận thức và năng lực của cán bộ y tế vào cộng đồng trong việc bảo vệ sức khỏe ứng phó BĐKH. Tăng cường khả năng ứng phó với BĐKH của hệ thống y tế và ưu tiên hệ thống y tế cơ sở. Đến năm 2050, công tác ứng phó với BĐKH được tích hợp, lồng ghép và thực hiện các chính sách, chương trình, kế hoạch, phương án của ngành y tế.
Kết nối các nhà nghiên cứu trên thế giới nhằm tăng cường năng lực thích ứng và chủ động ứng phó với BĐKH
Theo kết quả đánh giá “Tính dễ bị tổn thương và năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành y tế Việt Nam” do nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Y tế công cộng triển khai cho thấy: trong 20 năm qua, các bệnh nhạy cảm với khí hậu như sốt xuất huyết Dengue, sốt rét, tiêu chảy, cúm, tay chân miệng… đều rất phổ biến ở Việt Nam.
Trong 2 thập kỷ qua, trung bình mỗi năm ghi nhận 1.306.167 ca cúm và 80.938 ca sốt xuất huyết Dengue. Các bệnh tiêu chảy vẫn xếp thứ 6 trong số các nguyên nhân chính gây ra số năm sống bị mất hiệu chỉnh theo bệnh tật (DALYs) và là nguyên nhân thứ 5 gây tử vong sớm ở Việt Nam.
GS. Hoàng Văn Minh – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Y tế công cộng chia sẻ tại buổi hội thảo.
Tại buổi hội thảo, GS. Hoàng Văn Minh – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Y tế công cộng cho biết, việc chúng ta thực hiện các nghiên cứu nhằm cung cấp bằng chứng để các nhà hoạch định chính sách xây dựng kế hoạch và xây dựng các chiến lược ứng phó với BĐKH là hết sức quan trọng.
Theo GS. Hoàng Văn Minh, nghiên cứu về BĐKH khá là khó khăn vì đòi hỏi số liệu rộng, sâu và diễn biến qua thời gian. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu này đòi hỏi các kỹ thuật phân tích hết sức nâng cao. Trong những năm vừa qua, Trường ĐH Y tế công cộng là trường đã có sự đầu tư vào mảng nghiên cứu này và đã phối hợp một số dự án hết sức ý nghĩa với Trường ĐH Griffith (Australia) và ĐH Queen’s Belfast (Anh). “Qua các dự án đó, chúng tôi đã được kết nối và học hỏi từ các nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới”.
Đề xuất hợp tác truyền thông về BĐKH và sức khỏe
Tại buổi hội thảo, thay mặt Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), TS. Đỗ Mạnh Cường đã trình bày giới thiệu Kế hoạch thích ứng với BĐKH của ngành y tế Việt Nam.
Mục tiêu chung của Kế hoạch là: Nâng cao khả năng ứng phó với BĐKH của ngành y tế nhằm phòng ngừa, giảm thiểu các yếu tố nguy cơ của môi trường, BĐKH ảnh hưởng tới hệ thống y tế và sức khỏe, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân.
Cụ thể là xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách của ngành y tế trong công tác ứng phó với BĐKH; Nâng cao nhận thức và năng lực của cán bộ y tế và cộng đồng trong việc bảo vệ sức khỏe và ứng phó với BĐKH; Tăng cường khả năng ứng phó với BĐKH của hệ thống y tế, ưu tiên hệ thông y tế cơ sở.
Để thực hiện kế hoạch, Bộ Y tế cũng đã đề xuất các giải pháp thích ứng BĐKH ngành y tế bao gồm các mặt về: cơ chế chính sách và tổ chức quản lý; Đẩy mạnh truyền thông, bao gồm vận động chính sách; Tăng cường năng lực về BĐKH và sức khỏe; Xây dựng hệ thống dự báo, cảnh báo; Xây dựng các mô hình thích ứng với BĐKH; Tiếp tục tăng cường các hoạt động nghiên cứu; Tăng cường khả năng thích ứng của hệ thống y tế đảm bảo phòng, chống dịch bệnh.
Quang cảnh buổi hội thảo
Bên cạnh các giải pháp, Bộ Y tế cũng đề xuất hợp tác: Truyền thông về BĐKH và sức khỏe, đặc biệt là truyền thông, hướng dẫn bảo vệ sức khỏe trước tác động của ô nhiễm không khí; Nâng cao năng lực thích ứng BĐKH của ngành y tế; Triển khai đánh giá V&A tại các địa phương; Thí điểm, triển khai phần mềm dự báo, cảnh báo BĐKH và sức khỏe; Thí điểm, nhân rộng các mô hình thích ứng với BĐKH trong cộng đồng và cơ sở y tế; Học tập, chia sẻ kinh nghiệm, tổ chức các diễn đàn chính sách, khoa học về BĐKH và sức khỏe.
Cũng tại Hội thảo, đại diện Trường ĐH Y tế công cộng - PGS.TS. Trần Thị Tuyết Hạnh đã trình bày Đánh giá tính dễ bị tổn thương và năng lực thích ứng với BĐKH của ngành y tế. Ngoài ra, các đại biểu cũng đã được nghe bài trình bày Ảnh hưởng của BĐKH đến sức khỏe một số cộng đồng dễ bị tổn thương tại Việt Nam của PGS.TS. Lê Thị Phương Mai - Viện Vệ sinh dịch tễ TW.
Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đã thảo luận sôi nổi nhằm chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường kết nối để phát triển các hướng nghiên cứu và các dự án mới trong thời gian tới.
Viêt Nam đứng thứ 5 trong danh sách các quốc gia bị ảnh hưởng bất lợi lớn nhất từ BĐKH. Đến năm 2100, nhiệt độ trung bình có thể tăng lên 3 độ C và mực nước biển có thể dâng 1m. Gây thiệt hại khoảng 17 tỉ đồng/năm và khoảng 17 triệu người không có nhà. |