Hà Nội

Chủ động ứng phó nguy cơ bão chồng bão và mưa lớn

14-09-2018 08:04 | Thời sự
google news

SKĐS - Bão số 5 đang “áp sát” Quảng Ninh, trong khi đó, siêu bão Mangkhut cũng có thể ảnh hưởng tới nước ta, vì vậy, việc ứng phó khả năng “bão chồng bão” và mưa lớn đang đặt ra cấp thiết. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị cùng với việc ứng phó bão, các địa phương cần đặc biệt đề phòng lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn.

Bão số 5 và siêu bão Mangkhut sẽ gây mưa lớn khắp Bắc Bộ

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia (DBKTTVQG), hồi 7h ngày 13/9, vị trí tâm bão số 5 ở vào khoảng 21,1 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 330km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, chiều ngày 13/9, bão sẽ đi vào khu vực phía Bắc của vịnh Bắc Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Từ đêm 13/9 đến ngày 14/9, ở phía Đông Bắc Bộ có mưa, mưa vừa; riêng khu vực Đông Bắc và Việt Bắc có mưa vừa, mưa to. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến từ 50-100mm/đợt. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc Bộ, đặc biệt là các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai; Ngập úng tại vùng trũng, vùng thấp và các đô thị thuộc khu vực Đông Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng.

Chủ động ứng phó nguy cơ  bão chồng bão và mưa lớnNgười dân Móng Cái neo đậu thuyền trên sông biên giới Ka Long.

Thông tin về siêu bão Mangkhut, Trung tâm DBKTTVQG cho biết, hồi 7 giờ ngày 13/9, vị trí tâm siêu bão ở vào khoảng 14,5 độ Vĩ Bắc; 131,4 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông (Philippines) khoảng 1.100km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17 (200-220km/giờ), giật trên cấp 17. Dự báo trong 48 - 72 giờ tiếp theo, siêu bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km và đến khoảng trưa ngày 15/9 siêu bão sẽ đi vào khu vực Đông Bắc viển Đông. Trung tâm DBKTTVQG cảnh báo: Trong 3-5 ngày tiếp theo, siêu bão Mangkhut sẽ suy yếu dần khi đi vào gần đảo Hải Nam (Trung Quốc) nhưng vẫn duy trì có cường độ rất mạnh và có khả năng cao ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta trong ngày 17-18/9.

Tại cuộc họp Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai mới đây, theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm DBKTTVQG, chiều và đêm 13/9, bão số 5 sẽ ảnh hưởng đến đất liền nước ta, khi vào bờ sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, bão có thể gây mưa ở các tỉnh miền núi khu vực giáp biên giới với Trung Quốc. Trong khi đó, hoàn lưu siêu bão Mangkhut là rất lớn, khi vào bờ có thể gây gió mạnh hơn cơn bão số 5.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai nhận định hình thái thiên tai từ nay đến cuối tuần diễn biến còn hết sức phức tạp. Vì vậy phải thường xuyên thông tin đến các địa phương về tình hình bão, mưa lũ, nhất là những địa phương chịu tổn thương nặng nề trong bão số 3 và bão số 4 vừa qua. Các địa phương miền núi đặc biệt lưu ý lũ ống, lũ quét, sạt lở đất để giảm thấp nhất thiệt hại về người.

Bộ Y tế chỉ đạo triển khai công tác y tế ứng phó với mưa bão

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết và để ứng biến kịp thời với cơn bão số 5, Bộ Y tế đã ra Công điện số 948/CĐ-BYT gửi Sở Y tế các tỉnh/thành phố từ Bắc Bộ và ven biển Quảng Ninh đến Quảng Nam, các đơn vị trực thuộc Bộ khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ về việc chỉ đạo triển khai công tác y tế. Công điện ghi rõ, thực hiện Công điện số 50/CĐ-TW của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn về triển khai công tác ứng phó cơn bão số 5 và siêu bão Mangkhut. Để chủ động đối phó với bão, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh/thành phố; Bắc Bộ và ven biển Quảng Ninh đến Quảng Nam, các đơn vị trực thuộc Bộ khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ khẩn trương triển khai những công việc sau: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin; phát huy phương châm bốn tại chỗ, ứng phó kịp thời những diễn biến bất thường của bão, mưa lũ. Các cơ sở y tế chủ động tham gia cùng các cấp, ban ngành kiểm tra rà soát sẵn sàng sơ tán khẩn trương các cơ sở y tế ra các khu vực nguy hiểm nhất là những nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét, lũ ống, hoặc vùng thấp trũng dễ bị ngập sau khi mưa lớn để đảm bảo an toàn tính mạng bệnh nhân, nhân viên và trang thiết bị y tế.

Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế các tỉnh/thành phố chủ động sẵn sàng về nhân lực, vật tư cơ số thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão; tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung, cấp cứu cho nạn nhân ảnh hưởng của mưa, lũ bão gây ra. Các đội cấp cứu cơ động bảo đảm trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có lệnh. Khẩn trương triển khai các phương án bảo vệ hoặc di dời các cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa lũ, lên kế hoạch chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng, vùng có nguy cơ lũ quét, lũ ống và sạt lở đất.

Các đơn vị trực thuộc Bộ chuẩn bị sẵn các cơ số thuốc, phương tiện, vật tư, hóa chất phòng chống dịch và phân công các đội y tế cơ động sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa, bão gây ra...


H. Phong
Ý kiến của bạn