Chủ động ứng phó dịch bệnh truyền nhiễm muà hè

15-05-2014 19:04 | Thời sự
google news

SKĐS - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh truyền nhiễm mùa hè, ngày 15-5, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã tổ chức tập huấn công tác chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng và một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, thường gặp.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh truyền nhiễm mùa hè, ngày 15-5, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã tổ chức tập huấn công tác chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng và một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, thường gặp.

Hội nghị có sự tham gia của các bệnh viện có khoa Nhi và khoa Truyền nhiễm Trung ương và các bệnh viện tuyến tỉnh từ Huế trở ra.

Tại buổi tập huấn, PGS,TS Nguyễn Thị Xuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay, dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết xảy ra tại hầu hết tại các tỉnh và thành phố, tuy số người mắc bệnh ở mức thấp hơn so với năm 2013, song tại một số tỉnh, thành phố có số người mắc bệnh cao hơn và có nguy cơ dịch bùng phát. Đến nay cả nước đã ghi nhận 17.410 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó đã có 2 người bệnh tử vong; 7.931 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó 4 người bệnh tử vong.

Điều trị cho bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng tại BV Nhi đồng 1

Điều trị cho bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng tại BV Nhi đồng 1

BS Nguyễn Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm- Bệnh viện Nhi TW, hiện nay dịch tay chân miệng đang vào mùa, nhất là các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Riêng TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận hơn 3.300 ca tay chân miệng, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Những con số được báo cáo cho thấy bệnh tay chân miệng đang bước dần vào đỉnh dịch. Bệnh tay chân miệng bùng phát mạnh ở TP Hồ Chí Minh là do thời tiết, mưa – nắng thất thường. Ngoài ra, môi trường sống tại thành phố quá chật hẹp, điều kiện vệ sinh môi trường sống, vệ sinh cá nhân chưa tốt và khoa học cũng là nguyên nhân khiến bệnh tay chân miệng gia tăng nhanh chóng.

Tại buổi tập huấn các bác sĩ đều lo ngại, bệnh tay chân miệng chưa có chưa có vắc-xin phòng bệnh, nếu không kiểm soát tốt, tay chân miệng sẽ phát tán thành dịch. Các chuyên gia khuyến cáo cả người lớn và trẻ em phải rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hay cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Người dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Đặc biệt, trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác. Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh, ngoài việc chuẩn bị trang thiết bị nhưng để vận hành các trang thiết bị cũng cần phải học, không chỉ học ngày một ngày hai là có thể sử dụng được. Các ê kíp phải được đào tạo ở tuyến trung ương hoặc các bác sĩ ở trung ương về giúp các tuyến dưới. Chuyên khoa Nhi ở các tỉnh phải rà soát lại để đào tạo, trong việc nhập viện, chuyển viện cũng phải có những chỉ đạo phù hợp. Như thu dung quản lý, cách ly điều trị phòng lây nhiễm trong bệnh viện. Có phác đồ, tập huấn nhiều thì sẽ giảm được vấn đề chuyển tuyến, gây quá tải tuyến trên. Nhưng nếu có dấu hiệu biến chứng thì phải chuyển ngay nên vấn đề phân loại bệnh nhân hết sức quan trọng..

Phòng chống dịch bệnh mùa hè: Công tác tuyên truyền phải đi trước một bước

Các sở Y tế phải quan tâm đến dự phòng, tiêm vắc xin, vệ sinh trước khi ăn, rửa tay bằng xà phòng. Công tác tuyên truyền phải đi trước một bước, các Sở Y tế phải phối hợp với truyền thông để tuyên truyền hằng ngày ở các đài phát thanh trong lĩnh vực y tế dự phòng. Rà soát công tác khám chữa bệnh trên toàn tỉnh, các bệnh dịch để có thể đề xuất UBND các tỉnh để chuẩn bị các phương án, thuốc men để dự phòng.

Trích ý kiến của Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên

Thái Bình


Ý kiến của bạn