Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định tầm quan trọng của tiêm chủng đối với sức khỏe cộng đồng và kêu gọi các bậc cha mẹ vì sức khỏe của con em mình nâng cao tinh thần trách nhiệm đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Hãy coi việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn trách nhiệm đối với cộng đồng.
GS. TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế kêu gọi các bậc cha mẹ hãy đưa con tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Ảnh: Dương Ngọc
Thứ trưởng nhấn mạnh, dù tỷ lệ tiêm chủng chúng ta đạt tỷ lệ trên 95% trên phạm vi toàn quốc song vẫn còn tình trạng trẻ không được tiêm chủng đầy đủ, tiêm chủng muộn chủ yếu tại một số huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Vì vậy trong năm 2018 các địa phương cần chỉ đạo giải quyết dứt điểm những “vùng lõm” về tiêm chủng, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt tỷ lệ trên 95% trên quy mô xã.
Chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể cần quan tâm, đảm bảo đủ kinh phí để triển khai công tác tiêm chủng mở rộng, công tác phòng chống dịch bệnh có vắc xin như sởi, bạch hầu, dại. Các điểm tiêm chủng dịch vụ phải đảm bảo chất lượng để người dân có thể tiếp cận tốt với các loại vắc xin; mỗi cán bộ y tế cần nâng cao trách nhiệm, thực hiện đầy đủ quy trình tiêm chủng.
GS. TS. Nguyễn Thanh Long, lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam tới thăm Trạm y tế phường Tân An, Tp. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Ảnh: Dương Ngọc
Các bệnh viện cần tham gia tích cực trong công tác triển khai vắc xin viêm gan B liều sơ sinh trong 24 giờ đầu. Các cơ sở y tế tích cực cập nhật thông tin Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia để quản lý tốt đối tượng, đảm bảo người dân được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Cùng với việc duy trì và nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, việc đưa Hệ thống Quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia vào hoạt động đã giúp cho quản lý đối tượng được tốt hơn, minh bạch hơn, giúp việc theo dõi lịch sử tiêm chủng của trẻ đầy đủ và chính xác hơn, kịp thời nhắc các bậc cha mẹ đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.
Theo GS. Nguyễn Thanh Long, công tác tiêm chủng cần mở rộng dưới nhiều hình thức không chỉ có tiêm chủng mở rộng mà cả các điểm tiêm chủng dịch vụ đảm bảo chất lượng để người dân có thể tiếp cận tốt với các loại vắc xin và những người dân có điều kiện nên đi tiêm chủng cả những vắc xin khác ngoài các vắc xin trong chương trình TCMR để phòng được các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hiện nay.
Mít tinh diễu hành hưởng ứng Tuần lễ Tiêm chủng mở rộng 2018. Ảnh: Dương Ngọc
Tại Lễ mít tinh, bà Satoko Otsu, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam đánh giá cao công tác tiêm chủng ở Việt Nam, khi mỗi năm Việt Nam chào đón khoảng 1,7 triệu trẻ em ra đời, hơn 95% trong số đó được tiêm chủng miễn phí phòng 10 loại bệnh truyền nhiễm đặc biệt trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Điều đáng nói ở đây là hầu hết vắc xin sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng đều được sản xuất trong nước, một thực tế không có ở nhiều nước khác, cho thấy Việt Nam không hoàn toàn phụ thuộc vào vắc xin nhập khẩu và phụ thuộc và độc lập với tình hình thị trường toàn cầu. Điều này cũng giúp Việt Nam chủ động triển khai các hoạt động tiêm chủng đáp ứng phòng chống dịch bệnh.
Để chuẩn bị cho việc tiêm vắc xin Combe Five chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia đã cử chuyên gia giám sát và tập huấn các quy trình bảo quản, tiêm chủng cho cán bộ tại 63 tỉnh, thành.