Hà Nội

Chủ động phương án kinh doanh do tác động của dịch bệnh

29-02-2020 07:16 | Thời sự
google news

SKĐS - Dịch COVID-19 có tác động toàn diện ở tất cả các mặt kinh tế xã hội, từ y tế, giao thông, du lịch, giáo dục... Với lĩnh vực thương mại, dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất công - nông nghiệp, quản lý chuỗi cung ứng, vận chuyển của Việt Nam, không chỉ giới hạn với Trung Quốc mà cả trên các thị trường thứ 3. Trước thực trạng này, Chính phủ đã có những giải pháp chỉ đạo cụ thể.

Dịch COVID-19 tác động nhiều ngành hàng

Một trong những ngành hàng bị ảnh hưởng và tác động mạnh của dịch COVID-19 là ngành hàng da và túi xách. Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) lĩnh vực này rơi vào tình trạng khó khăn khi hoạt động xuất nhập khẩu bị tác động lớn.

Một số ít DN đã đối phó với thực trạng này bằng cách tập trung nghiên cứu sản phẩm để phục vụ thị trường trong nước nhiều hơn, đáp ứng tiêu dùng của nhân dân, đồng thời thúc đẩy việc sản xuất của công ty chứ không chùn bước.

Không chỉ ngành hàng da và túi xách, một số DN khác trong ngành hàng sản xuất giày dép thời trang và phụ kiện cũng trong hoàn cảnh tương tự. Nhiều DN đã có giải pháp phù hợp để ứng phó với dịch bệnh là đưa nhiều mặt hàng lên trang thương mại điện tử, trong kinh doanh (KD) đưa ra nhiều chính sách giảm giá để kích cầu tiêu dùng nội địa cũng như đưa ra nhiều mẫu mã hơn thông qua internet và online. Đẩy mạnh mua bán qua mạng và thanh toán trực tuyến để chống chọi với tình hình dịch bệnh.

Theo các chuyên gia kinh tế, nếu bệnh dịch không thể dập tắt được trong 1 - 2 tháng tới, kinh tế toàn cầu và Việt Nam đều gặp rất nhiều khó khăn. Điều này đòi hỏi sự chống đỡ của tự thân các DN cũng như tất cả các ngành hàng của Việt Nam  là rất lớn.

Hiện nhiều DN đang tập trung khai thác nguồn nguyên liệu, phụ liệu trong nước để thay thế nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, đảm bảo duy trì sản xuất KD, ổn định đời sống người lao động.

Cũng theo các chuyên gia kinh tế, hiện chỉ 1-2 tháng nữa có thể nhìn thấy rõ tác động của dịch bệnh. Nguy cơ sản xuất cầm chừng là có, việc trả lương cho người lao động, cộng thêm chi phí duy tu bảo dưỡng máy móc cũng là khoản lớn.

Chủ động phương án kinh doanh do tác động của dịch bệnhNhiều doanh nghiệp ngoài sự nỗ lực rất cần hỗ trợ phù hợp.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhận định, thương mại điện tử và dịch vụ giao nhận là những điểm sáng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam ngay trong bối cảnh dịch bệnh. Do đó, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh và làm tốt lĩnh vực này để các ngành hàng, các DN sát cánh cùng nhau, hỗ trợ nhau vượt qua  những khó khăn không mong muốn do dịch bệnh mang lại.

Các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh

Mới đây, ngày 25/2, tại cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhằm phân tích đánh giá tình hình trong nước, quốc tế thời gian qua, nhất là tác động của dịch COVID-19 tới phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất KD cũng như thảo luận về dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng về các giải pháp chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần hết sức thận trọng, không bi quan, xác định rõ, phân tích kỹ tình hình, xem xét các yếu tố tác động của dịch COVID-19 để có giải pháp phù hợp.

Tại cuộc họp, các ý kiến đề cập đến nhiều giải pháp hỗ trợ DN như giải pháp về thuế, phí. Nhiều thành viên Hội đồng cho rằng, cần tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, DN, chống trì trệ trong phát triển. Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế để vừa bù đắp thiệt hại, vừa giảm thiểu tác động của dịch.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, NHNN có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai giải pháp hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Yêu cầu này nhằm thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch và có dư nợ gốc hoặc lãi đến kì hạn trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23/1 đến ngày 31/3, cho đến khi NHNN ban hành thông tư hướng dẫn về vấn đề này.

Phát biểu kết luận cuộc họp, ghi nhận các ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ KH&ĐT tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo Chỉ thị về các giải pháp hỗ trợ sản xuất KD, thúc đẩy phát triển.

Quyết liệt chống dịch, nỗ lực vượt khó, tập trung thúc đẩy sản xuất KD, bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có kế hoạch, phương án, kịch bản đối phó tác động về kinh tế - xã hội do dịch COVID-19. Cần tăng cường năng lực phân tích, dự báo, ứng phó biến động từ bên ngoài.

Hội đồng thống nhất, cần tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo nền tảng cho phát triển bền vững. Nếu phá vỡ vĩ mô, rất nhiều hệ lụy đặt ra. Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ tín dụng cho DN - đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.


Gia Phong
Ý kiến của bạn