Chủ động phòng sốt xuất huyết mùa dịch COVID, tránh nguy cơ 'dịch chồng dịch'

27-09-2021 14:11 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS- Khi dịch COVID-19 đang nghiêm trọng như hiện nay, nước ta lại bước vào mùa mưa bão nên dịch sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng. Bên cạnh việc tập trung chống dịch COVID-19 thì người dân tuyệt đối không được chủ quan với các dịch bệnh khác, đặc biệt là sốt xuất huyết.

Phân biệt sốt xuất huyết và các dạng sốtPhân biệt sốt xuất huyết và các dạng sốt

SKĐS - Như thông lệ hàng năm, sốt xuất huyết (SXH) gia tăng nhanh từ tuần thứ 30 và đạt đỉnh vào tháng 10-11. Miền Trung đang trải qua đợt lũ lịch sử, đồng thời hình thái thời tiết cả nước mưa nhiều đang thuận lợi cho muỗi Dengue sinh sôi và gây bệnh. Vì vậy, mọi người cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Bài viết này cung cấp kiến thức về phân biệt SXH và các dạng sốt do virus khác để khi thấy có dấu hiệu SXH thì nên đi khám kịp thời.

Biểu hiện ban đầu rất dễ nhầm lẫn sốt xuất huyết và COVID-19

COVID-19 và sốt xuất huyết đều là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ra bởi virus. Bệnh COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra, chủ yếu lây truyền từ người sang người qua các giọt bắn đường hô hấp lây lan khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, tiếp xúc gần... Còn sốt xuất huyết do 1 trong 4 chủng virus dengue gây ra, chủ yếu lây truyền sang người qua vết đốt của muỗi loài Aedes bị nhiễm bệnh.

Chủ động phòng sốt xuất huyết mùa dịch COVID,  tránh nguy cơ “dịch chồng dịch” - Ảnh 1.

Sốt, mệt mỏi... là biểu hiện chung điển hình của cả COVID-19 và sốt xuất huyết

Cả hai bệnh đều có những triệu chứng ban đầu giống nhau như:

- Đau nhức xương khớp

- Sốt

-Ớn lạnh

- Đau đầu...

Tuy nhiên sốt xuất huyết điển hình có biểu hiện: Da xung huyết, mặt và củng mạc mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc. Ngoài ra còn có dấu hiệu đau bụng hoặc nôn nhiều, có biểu hiện ứ dịch, xuất huyết niêm mạc như: Chảy máu cam, chảy máu chân răng…

Còn đối với bệnh COVID-19 ngoài việc nguy cơ đi từ vùng dịch và tiếp xúc với F0 sẽ có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, đau họng, khó thở… nặng có thể dẫn đến thiếu oxy, suy hô hấp…

Các đối tượng nguy cơ đối với bệnh sốt xuất huyết nặng bao gồm: Tuổi (đặc biệt ở trẻ nhỏ); Nhiễm sốt xuất huyết lần 2; Ở vùng dịch sốt xuất huyết; Bị các bệnh mãn tính: tim mạch, tiểu đường, hen…;

Còn nguy cơ gây bệnh nặng với COVID-19 bao gồm: Người lớn tuổi, mắc các bệnh nền: tăng huyết áp, đột quỵ, bệnh gan, béo phì, bệnh phổi mạn tính, bệnh thận mạn tính đang chạy thận hoặc suy giảm miễn dịch, béo phì…..

Trong khi dịch COVID đang diễn biến phức tạp như hiện nay, nhiều người bị sốt xuất huyết có thể sẽ chủ quan chỉ nghĩ đến COVID mà bỏ qua việc thăm khám xét nghiệm đẫn đến tình trạng có thể điều trị sai hoặc muộn dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Đây là một trong những sai lầm thường gặp của người dân hiện nay trước nguy cơ "dịch chồng dịch": COVID-19 và sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng.

 Trước tình hình đó, nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ rất cẩn thận và kỹ càng, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra các hậu quả đáng tiếc. Ngoài ra còn chưa kể đến tình huống có thể bệnh nhân mắc cả hai bệnh thì bệnh cảnh lâm sàng sẽ nặng nề và phức tạp hơn.

Phòng bệnh sốt xuất huyết thế nào?

Sốt xuất huyết không lây trực tiếp từ người sang người như COVID-19 mà lây qua vector (vật trung gian). Do vậy, khi người dân chủ động tiêu diệt và giảm mật độ vector xuống thì khả năng lây lan sẽ ít hơn. Để phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông;

- Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; Phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch.

Chủ động phòng sốt xuất huyết mùa dịch COVID,  tránh nguy cơ “dịch chồng dịch” - Ảnh 2.

Cần làm thêm xét nghiệm test Dengue NS1 nếu nghi ngờ sốt xuất huyết

Cần phải làm gì trước nguy cơ "dịch chồng dịch" ?

Để tránh tình trạng dịch COVID chồng dịch sốt xuất huyết cần lưu ý:

- Nếu bệnh nhân biểu hiện sốt, ho, đau đầu, đau mỏi người… bên cạnh làm xét nghiệm RT-PCR SARS-CoV-2 cần làm thêm xét nghiệm test Dengue NS1;

- Song song với việc đi kiểm tra phòng chống dịch COVID cần kiểm tra giám sát thêm công tác phòng chống sốt xuất huyết tại các xã phường, đặc biệt các nơi có nguy cơ cao như khu đông dân cư phức tạp, các khu cách ly tập trung….

- Mọi người dân đều có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện các đường lối chính sách của Nhà nước để phòng chống dịch bệnh, tuyệt đối không lơ là chủ quan làm dịch bệnh lây lan. Bên cạnh việc tập trung nhân lực phòng chống Covid 19, cần lồng ghép tuyên truyền phòng sốt xuất huyết; tuyên truyền để người dân chủ động thực hiện các biện pháp tránh muỗi đốt và tổ chức diệt muỗi, bọ gậy bằng mọi biện pháp từ dân gian đến các chất hóa học, đặc biệt ở các địa phương đang có sốt xuất huyết xảy ra.

Phòng chống dịch bằng cách bảo vệ nâng cao sức đề kháng cơ thể:

Thực hiện nghiêm túc 5K, tiêm vaccine đầy đủ 2 mũi ngay khi có thể; Có chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng kết hợp thể dục vừa sức phù hợp mùa dịch để nâng cao sức khỏe. Ngoài ra, cần thận trọng và bình tĩnh khi có bị ho, sốt… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn, tuyệt đối không tự ý uống thuốc hạ sốt và chữa bệnh tại nhà.

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 724 ca mắc sốt xuất huyết tại 27 quận, huyện, thị xã. Số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng tăng từ tuần 34 với 42 ổ dịch được phát hiện. Các ca mắc phân bố tại 27/30 quận, huyện, thị xã; 178/579 xã, phường, thị trấn. Trong đó, Đống Đa cao nhất với 158 ca, Hoài Đức 97 ca, Hai Bà Trưng 75 ca, Hoàng Mai 38 ca...

Xem thêm video được quan tâm:

Video chỉ dẫn dinh dưỡng cho F0, F1 tại nhà


PGS.TS. Trần Thanh Dương
Viện trưởng Viện Sốt rét- Ký sinh trùng Trung ương
Ý kiến của bạn