Bệnh đau mắt đỏ
Sau bão lụt bệnh đau mắt đỏ do vi khuẩn hoặc virut gây ra với triệu chứng là đỏ mắt. Bệnh dễ gây thành dịch, một người cũng có thể bị đau mắt đỏ nhiều lần. Vì vậy cần có các biện pháp ngăn ngừa bệnh kịp thời ngay sau khi bão đi. Các biện pháp phòng ngừa cơ bản:
Không rửa mặt hoặc tắm bằng nước bẩn. Nếu không có nước sạch, cần có các biện pháp khử trùng nguồn nước theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Không để trẻ em tắm gội, chơi đùa với nước bẩn.
Tra thuốc nhỏ mắt (cloramphenicol 0,4% hoặc argyrol 1%) cho tất cả những người có nguy cơ tiếp xúc với nước bẩn.
Rửa tay bằng xà phòng với nước sạch.
Không dùng chung khăn mặt, chậu rửa với người đang bị đau mắt đỏ.
Chú ý diệt ruồi vì ruồi truyền bệnh đau mắt đỏ từ người bệnh sang người lành.
Không dùng nước bẩn để ăn uống và sinh hoạt phòng ngừa bệnh tật sau bão lụt.
Bệnh ngoài da do nước
Sau bão lụt do tình trạng ngập lụt khiến các bệnh ngoài da do nước có điều kiện bùng phát thành dịch. Mỗi người dân cần áp dụng các biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả sau để ngăn ngừa các bệnh ngoài da do nước như bệnh nước ăn chân, mề đay, sẩn ngứa, viêm da... Đó là:
Không tắm gội và giặt quần áo bằng nước bẩn. Nếu không có nước giếng đã khử trùng thì phải đánh phèn hoặc lọc nước bằng cát.
Không mặc quần áo ẩm ướt. Quần áo ẩm ướt là điều kiện vô cùng thuận lợi phát sinh phát triển các loại vi khuẩn, nấm mốc gây bệnh trên da của người sử dụng.
Trong mùa lũ, không để trẻ em bơi lội, tắm hoặc chơi đùa trong nước ngập vì nước rất bẩn, không chỉ gây bệnh ngoài da cho trẻ mà còn có thể gây các bệnh tiêu chảy do trẻ nuốt phải nước bẩn.
Hạn chế lội vào chỗ nước bẩn tù đọng. Nếu bắt buộc phải lội vào nước bẩn thì sau đó phải rửa ngay bằng nước sạch và lau khô, nhất là các kẽ ngón chân, tay.
Các bệnh đường tiêu hóa và bệnh do véc-tơ truyền
Cũng như các bệnh đau mắt đỏ, bệnh ngoài da do nước thì các bệnh đường tiêu hóa rất dễ xảy ra và bùng phát thành dịch sau mưa bão như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy cấp... Để chủ động phòng ngừa các bệnh này người dân cần thực hiện đúng theo hướng dẫn của cơ quan y tế, đặc biệt cần lưu ý một số điểm sau:
Thực hiện đúng nguyên tắc “Ăn chín, uống chín”.
Không nên ăn rau sống lấy từ vùng ngập lụt.
Đảm bảo đủ nước sạch cho ăn uống, sinh hoạt.
Xử lý tốt nguồn phân, chất thải, rác thải và xác chết.
Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
Uống hoặc tiêm vắc-xin phòng bệnh khi có chỉ định.
Ngủ màn.
Loại bỏ những vùng nước tù đọng là nơi sinh sản của muỗi.
Phun hóa chất diệt côn trùng ở những nơi có nguy cơ cao hoặc khu vực có ổ dịch sốt rét, sốt xuất huyết.
Trên đây là một trong số những bệnh rất thường xảy ra sau bão lụt, mỗi người dân, nhất là những bị ảnh hưởng trực tiếp của bão lụt cần biết cách chủ động phòng ngừa bệnh tật rất dễ xảy ra sau bão lụt, giữ gìn sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh, đảm bảo môi trường sống tốt, ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát.