Hà Nội

Chủ động phòng ngừa dịch bệnh truyền nhiễm giữa dịch COVID-19

20-12-2021 20:40 | Y tế
google news

SKĐS - Việc quan tâm đến các bệnh truyền nhiễm và công tác kiểm soát, phòng ngừa bệnh dịch là rất quan trọng, giúp giảm thiểu sự lây nhiễm bệnh dịch, hạn chế tình trạng kháng kháng sinh, giảm thời gian điều trị cho người bệnh.

Việt Nam là nước đang phát triển, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nên các bệnh truyền nhiễm rất phổ biến và là một vấn đề y tế quan trọng.

Bệnh truyền nhiễm có xu hướng gia tăng

Bệnh truyền nhiễm là các bệnh có khả năng truyền từ người này sang người khác. Có nhiều căn bệnh lây lan trong cộng đồng và trở thành bệnh dịch nguy hiểm cho cả xã hội. Bên cạnh những bệnh truyền nhiễm có khả năng truyền từ người sang người, còn  có bệnh có thể truyền từ côn trùng hoặc từ động vật trung gian khác sang người. Với một số bệnh truyền nhiễm, đòi hỏi người bệnh phải được cách ly, điều trị để tránh lây nhiễm cho người xung quanh và cộng đồng.

Tăng cường kiểm soát, phòng ngừa bệnh truyền nhiễm - Ảnh 1.

Bệnh truyền nhiễm có xu hướng gia tăng.

Bên cạnh các bệnh truyền nhiễm cấp tính như sốt xuất huyết, cúm, viêm đường hô hấp cấp, thủy đậu, sởi, quai bị, … có thể gây dịch thì các bệnh truyền nhiễm mạn tính như HIV, viêm gan virus B, C, … cũng đang gây ra các gánh nặng về kinh tế, các biến chứng và tử vong cho người bệnh.

Ngoài ra, các bệnh nhiễm trùng trên những người  mắc các bệnh mạn tính ngày càng có chiều hướng gia tăng và khó điều trị do tình trạng kháng kháng sinh.

Ngày 20/12/2021, tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã diễn ra Lễ ra mắt Khoa Bệnh Nhiệt đới và Can thiệp giảm hại. Sự kiện có sự tham dự của Đại diện Lâm thời phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ; Cục phòng chống HIV/AIDS, đại diện lãnh đạo Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và đội ngũ các y, bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp thì việc quan tâm đến các bệnh truyền nhiễm và nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác kiểm soát và phòng ngừa bệnh dịch là rất quan trọng. Điều này sẽ giúp giảm thiểu sự lây nhiễm chéo các bệnh truyền nhiễm, hạn chế tình trạng kháng kháng sinh và giảm chi phí và thời gian điều trị cho người bệnh.

Đứng trước nhu cầu thực tiễn của người bệnh về điều trị các bệnh truyền nhiễm cũng như việc cần thiết phải phối hợp điều trị các chuyên khoa giúp nâng cao hiệu quả điều trị cho người bệnh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã thành lập khoa Bệnh Nhiệt đới và Can thiệp giảm hại.

Tăng cường kiểm soát, phòng ngừa bệnh truyền nhiễm - Ảnh 3.

PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu phát biểu tại lễ ra mắt Khoa Bệnh Nhiệt đới và Can thiệp giảm hại - BV Đại học Y Hà Nội.

Khoa Bệnh Nhiệt đới và Can thiệp giảm hại là khoa lâm sàng thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa có nhiệm vụ điều trị, chăm sóc người bệnh điều trị nội trú chuyên khoa truyền nhiễm, bệnh nhiệt đới và giảm hại các biến chứng, di chứng của bệnh; vừa đảm nhận khám chữa bệnh và điều trị ngoại trú cho người bệnh tại các phòng khám chuyên khoa. Bên cạnh đó, Khoa cũng đáp ứng nhu cầu chăm sóc và can thiệp giảm tác hại do lạm dụng nghiện chất như ma túy và các chất gây nghiện khác.

Phòng bệnh như thế nào?

COVID-19 là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus SARS-CoV-2 gây ra và lây qua đường hô hấp, tiếp xúc với đồ vật bị ô nhiễm với nguồn bệnh. Trong bối cảnh hiện nay, dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến khó lường, bên cạnh đó những mối nguy sức khỏe khác vẫn luôn tiềm ẩn.

Người dân nên thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng  như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, mang khẩu trang, tránh đến chỗ đông người..., Tiêm vaccine để chủ động tạo miễn dịch phòng ngừa dịch bệnh. 

Hàng ngày cần thực hiện rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với đồ vật. Giữ vệ sinh răng miệng. Tắm rửa thường xuyên phòng bệnh viêm nhiễm trên da. Đeo khẩu trang khi đi đường và khi đến chỗ đông người.

Xem thêm video đang được quan tâm:



P.Huyền
Ý kiến của bạn