Có rất nhiều loại virut khác nhau gây ra viêm não, đa số chúng lan truyền qua muỗi hoặc côn trùng khác đốt, vì thế mùa hè cũng là mùa thường gặp của viêm não do virut. Ở Việt Nam, điển hình là viêm não virut Nhật Bản B, chiếm từ 30-40%, bệnh thường gây biến chứng nặng nề, chủ yếu hay mắc ở trẻ em dưới 15 tuổi, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 30% nếu không được điều trị kịp thời.
Viêm não virut là một quá trình bệnh lý viêm xảy ra ở tổ chức nhu mô não, do nhiều loại virut có ái lực với tế bào thần kinh gây ra. Biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, hầu hết thường nhẹ và không kéo dài giống như cảm cúm thông thường. Tuy nhiên, có một tỉ lệ nhất định tiến triển nặng với hội chứng não cấp, rối loạn ý thức với các mức độ khác nhau, có thể tiến tới tử vong hoặc để lại những di chứng thần kinh nặng nề.
Chẩn đoán viêm não, màng não do virut thường khó vì các triệu chứng không điển hình, khi bệnh nhân sốt, ho mà kèm thêm các triệu chứng như đau đầu nhiều, nôn mửa, gáy cứng hoặc có rối loạn ý thức… cần được đưa đến các cơ sở y tế. Chọc thăm dò và xét nghiệm dịch não tủy giúp có những chẩn đoán xác định.
Thăm khám cho bệnh nhi viêm não tại BV Nhi đồng I TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: SGGP |
Do có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như tử vong, di chứng thần kinh nặng nên việc chẩn đoán cần khẩn trương, chính xác và điều trị kịp thời. Ngoài một số virut đặc biệt, đa số virut gây bệnh, kể cả virut viêm não Nhật Bản B chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Một số thuốc điều trị viêm não
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với các loại virut và cũng đã có hiện tượng virut kháng với các thuốc chống virut. Một số thuốc đang được áp dụng là:
Acyclovir: Chỉ định tuyệt đối trong viêm não virut do Herpes simplex, ngoài ra còn có thể dùng điều trị: viêm não virut nặng do epstein-barr và varicella-zoster. Acyclovir có tác dụng ức chế DNA polymerase của virut.
Thuốc dùng trong 2 tuần, pha trong dịch truyền tĩnh mạch chậm. Acyclovir có độ pH kiềm nên khi truyền phải theo dõi chặt chẽ, không để thuốc thoát ra ngoài (do vỡ tĩnh mạch hoặc kim truyền chệch ra ngoài...). Khi thuốc chệch ra ngoài sẽ gây viêm tại chỗ. Không được tiêm dưới da hoặc tiêm bắp.
Tác dụng phụ của acyclovir: Khi tiêm bắp hoặc dưới da gây viêm tại chỗ, gây tăng ure và creatinin máu, giảm tiểu cầu, rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, nôn, đi ngoài lỏng), nhiễm độc thần kinh (ngủ lịm, mất cảm giác đau, rối loạn định hướng, lú lẫn, kích thích vật vã, ảo giác, run cơ và co giật).
Hiện nay đã có biểu hiện virut kháng acyclovir do virut thay đổi enzym Thymidin-kinase và DNA polymerase, nhất là ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch.
Ganciclovir và foscarnet: Là những thuốc được chỉ định điều trị viêm não virut do Cytomegalovirus. Ganciclovir và foscarnet có tác dụng ức chế cạnh tranh với DNA polymerase của virus.
Ganciclovir: Pha trong dịch truyền tĩnh mạch chậm (liều tấn công). Sau đó chuyển liều duy trì. Khi có suy thận phải giảm liều, khi có giảm bạch cầu hạt và tiểu cầu thì phải ngừng thuốc.
Foscarnet (foscavir): Truyền tĩnh mạch chậm 14 - 21 ngày, sau đó giảm xuống liều duy trì. Foscarnet có thể gây tổn thương thận, gây giảm canxi, magie, kali và có thể rối loạn nhịp tim, co giật.
Điều trị phục hồi chức năng vận động và ngôn ngữ ở giai đoạn di chứng đóng vai trò rất quan trọng: các biện pháp vật lý trị liệu, ngôn ngữ trị liệu kết hợp với y học cổ truyền có thể giúp hồi phục tới 80% các di chứng sau viêm não virut.
Phòng ngừa thế nào?
Đảm bảo vệ sinh, môi trường sống, đảm bảo dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng, tránh muỗi đốt là những biện pháp dự phòng hữu hiệu chống lại viêm não màng não do virut. Tiêm chủng đầy đủ một số bệnh đã có vaccin dự phòng như viêm não Nhật Bản B, Herpes zoster, sởi, quai bị, Rubella...
BS. Vũ Hoài Nam
(Khoa Truyền nhiễm, BV Hữu nghị Hà Nội)