Chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm mùa lễ hội

16-02-2014 00:00 | Thời sự

SKĐS - Sau Tết Nguyên đán là mùa lễ hội. Đây là thời điểm hoạt động chế biến, kinh doanh thực phẩm gia tăng đột biến, nhất là đối với các dịch vụ ăn uống phục vụ nhu cầu của thực khách tại các khu lễ hội.

Sau Tết Nguyên đán là mùa lễ hội. Đây là thời điểm hoạt động chế biến, kinh doanh thực phẩm gia tăng đột biến, nhất là đối với các dịch vụ ăn uống phục vụ nhu cầu của thực khách tại các khu lễ hội. Trên địa bàn Thủ đô là nơi có hàng trăm lễ hội lớn nhỏ diễn ra, vì thế, các giải pháp nhằm đảm bảo ATTP cho người dân du xuân, đi lễ hội cổ truyền an toàn đang là vấn đề nóng cần được triển khai giải quyết. PV báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc phỏng vấn các cơ quan chức năng xung quanh vấn đề này.

Đoàn kiểm tra Liên ngành về ATVSTP kiểm tra một nhà hàng ở một lễ hội. Ảnh: Phương Thảo

TS. Lê Đức Thọ - Chi Cục trưởng Chi cục ATTP HN: Xử lý nghiêm các vi phạm và công khai trên website của Sở Y tế

Trên địa bàn Hà Nội có hàng trăm lễ hội diễn ra mỗi độ Tết đến xuân về. Tuy nhiên, việc chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) ở nhiều nơi còn chưa tốt, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Theo chỉ đạo của UBND thành phố, điểm mới trong công tác thanh tra, kiểm tra năm nay là lực lượng chức năng sẽ tiến hành kiểm tra ATTP ngay sau Tết Nguyên đán nhằm ngăn chặn, phát hiện các hành vi buôn bán hàng tồn kho không bảo đảm chất lượng. Theo đó, ngoài hai đoàn thanh tra liên ngành của thành phố, tại 30 quận, huyện của thành phố cũng đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm; dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, nhất là đối với các sản phẩm có nguy cơ cao như: thịt lợn, bò, gia cầm, giò, chả, trái cây, rượu, bia, nước giải khát, mứt, kẹo, các gói quà Tết, phụ gia thực phẩm... Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và Kế hoạch của UBND TP. Hà Nội, Ban chỉ đạo liên ngành về ATVSTP TP.Hà Nội đã triển khai thanh kiểm tra liên ngành việc chấp hành các quy định về ATTP của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ lễ hội; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các cơ sở chưa đạt yêu cầu, xử lý nghiêm các vi phạm và công khai trên website của Sở Y tế. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn trong cộng đồng việc bảo quản thực phẩm..., đồng thời bố trí sẵn sàng trang thiết bị, dụng cụ, cán bộ chuyên môn lấy mẫu xét nghiệm thực phẩm khi có sự cố ATTP và ngộ độc thực phẩm xảy ra.

Ông Nguyễn Đắc Lộc – Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT HN: Tổ chức trực 24/24h nhằm phát hiện kịp thời các thực phẩm “bẩn”

Ngay trong những ngày đầu năm 2014, thành phố đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về ATTP đặc biệt trong mùa lễ hội. Theo đó, UBND thành phố đã giao cho 29 đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra các cửa hàng, các mặt hàng lưu thông trên thị trường về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm; thành lập các chốt kiểm dịch tại các chợ đầu mối, trục đường giao thông chính vào thành phố; tổ chức trực 24/24h nhằm phát hiện kịp thời các thực phẩm “bẩn”, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, thành phần sẽ được ngăn chặn, đảm bảo không để tình trạng ngộ độc thực phẩm xảy ra, nhất là dịp lễ hội để người dân phấn khởi vui xuân đón Tết được an toàn.

Đại tá Doãn Hữu Châu – Trưởng phòng Cảnh sát môi trường (PC49) CATP Hà Nội

Thực hiện Kế hoạch của Giám đốc CATP Hà Nội, lực lượng cảnh sát môi trường đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ đến các đội chuyên trách, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác và chính quyền cơ sở nhằm trấn áp có hiệu quả các loại tội phạm có liên quan đến ATTP và VSMT. Ngoài các hoạt động thường xuyên bảo đảm ATTP và VSMT, cần đẩy mạnh tuyên truyền về các hoạt động bảo đảm ATVSTP trên địa bàn thành phố, trong đó, đặc biệt chú ý đến việc phổ biến tuyên truyền Luật An toàn thực phẩm, các quy định pháp luật về ATTP trong sản xuất - chế biến - kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân thành phố về tầm quan trọng của ATTP đối với đời sống xã hội, sức khỏe con người, sự phát triển giống nòi. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở sản xuất - chế biến - kinh doanh thực phẩm, đặc biệt các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở sản xuất - chế biến - kinh doanh thực phẩm để người dân trên địa bàn thành phố đón Tết, lễ hội cổ truyền đảm bảo sức khỏe.

Trần Lâm  (thực hiện)

“Theo Công điện số 449/CĐ-BYT của Bộ Y tế về việc chủ động triển khai công tác an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm sau Tết Giáp Ngọ 2014, Bộ Y tế đề nghị tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc kế hoạch đảm bảo ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa lễ hội; tập trung vào một số trọng tâm như: kinh doanh thức ăn đường phố, kinh doanh thực phẩm tại các khu vực lễ hội. Cục An toàn thực phẩm đã chỉ đạo Chi cục An toàn thực phẩm các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc, đặc biệt tránh lạm dụng rượu; duy trì thường trực của các tổ, đội điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm để nắm bắt thông tin sớm, xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra; tiếp tục kiểm tra, giám sát phát hiện nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm để có biện pháp ngăn ngừa và cảnh báo sớm cho cộng đồng; thanh tra, kiểm tra để phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm...”.

 


Ý kiến của bạn