Hà Nội

Chủ động phòng chống cúm A/H1N1

30-11-2019 16:30 | Đời sống
google news

SKĐS - Cúm A /H1N1 là một dạng cúm mùa, nhưng có nguy cơ lây lan nhanh và nếu xảy ra ở nhóm có nguy cơ như thai phụ, người già, trẻ nhỏ, người suy giảm miễn dịch thì có thể diễn tiến nặng, dẫn đến tử vong.

Vì vậy, người dân cần thận trọng với cúm A/H1N1 với các biến chứng nguy hiểm, không chủ quan khi có các dấu hiệu sốt, ho, khó thở... Ngoài ra, việc chủ động phòng ngừa là vô cùng quan trọng.

1 người tử vong và 44 người khác được giám sát do cúm A/H1N1

Ngày 11/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (TTKSBT) tỉnh Kon Tum đã có báo cáo về trường hợp tử vong do cúm A/H1N1. Bệnh nhân là N.T.T (nữ, 37 tuổi, ni cô ở chùa Pháp Hoa, xã Hòa Bình, TP. Kon Tum)

Theo báo cáo, ngày 25/10, bệnh nhân có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn nên được người thân đưa đến khám và điều trị tại một phòng mạch tư nhân.

Sáng 3/11, bệnh nhân thấy khó thở nên đến khám và nhập viện điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum) với triệu chứng mệt mỏi, li bì, tiếp xúc chậm, tay chân lạnh, môi hồng. Ngày 6/11, kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên khẳng định bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1. Đến chiều 8/11, bệnh nhân tử vong.

Ngày 10/11, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên cũng đã có kết quả kiểm tra nhanh đối với 44 mẫu dịch của những người tiếp xúc gần với bệnh nhân. Trong đó, có một mẫu dịch của bệnh nhân cùng nằm điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum) cho kết quả dương tính với cúm A/H1N1.

Bệnh cúm nói chung là bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do virut cúm gây ra và có khả năng lây nhiễm cao.

Bệnh cúm nói chung là bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do virut cúm gây ra và có khả năng lây nhiễm cao.

Lây lan nhanh chóng

Cúm A/H1N1 là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virut cúm gây nên. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây lan rộng và nhanh trong cộng đồng.

Virut cúm A/H1N1 có khả năng lây từ động vật sang người, từ người sang người và ngược lại. Đường lây truyền chủ yếu là qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng có kích thước nhỏ khoảng 5 micromet bắn ra khi chúng ta nói chuyện, hắt hơi, ho. Những giọt nước bọt hay dịch tiết mũi, họng bắn ra sau khi phát tán ra môi trường lại rơi xuống các bề mặt, dụng cụ, sàn nhà. Bàn  tay chúng  ta sờ mó vào các bề mặt dụng cụ, sàn nhà và qua bàn tay, chúng xâm nhập lên mắt, mũi, miệng. Người ta có thể nuốt hoặc hít phải những phần tử có chứa virut này. Virut cúm có thể sống vài giờ trên bề mặt dụng cụ, sàn nhà, bàn tay sau nhiều giờ và lâu hơn ở trong không khí ẩm, lạnh, không được lưu thông, ví dụ như môi trường trong phòng điều hòa.

Khi xâm nhập cơ thể, virut sẽ cư trú tại vùng hầu họng, nhân lên, lan vào trong niêm mạc phế quản và xuống phổi. Khi cơ địa người bị nhiễm giảm sức đề kháng thì sẽ phát bệnh. Theo tổng kết, trong tổng số  những ca tử vong do cúm A/H1N1 cho đến nay đều rơi vào những người bệnh có cơ địa yếu như: người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính ở đường hô hấp và các bệnh mạn tính khác như: tiểu đường, tim mạch, huyết áp... Trên cơ địa những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch như HIV mà đồng nhiễm cúm A/H1N1 thì cực kỳ nguy hiểm, vì vậy những người những có cơ địa bị suy giảm miễn dịch cần chú ý các biện pháp phòng  bị lây nhiễm cúm, khi có nghi ngờ bị nhiễm cúm A/H1N1, cần đi khám phát hiện sớm, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các biến chứng nặng.

Nếu người khỏe mạnh có sức đề kháng tốt, virut sẽ nhanh chóng bị tiêu diệt và có thể tự khỏi, những người này chỉ cần theo dõi tại nhà, không cần đến bệnh viện. Người bị nhiễm virut cúm A/H1N1 có khả năng truyền cho những người xung quanh trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau, kể từ khi có triệu chứng bệnh. Bệnh lây lan nhanh khi có sự tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như: bến tàu, bến xe, trường học, nhà trẻ...

Làm gì khi bị cúm?

Các dấu hiệu chính của bệnh cúm A/H1N1: sốt trên 38oC, ho, đau họng, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi. Một số trường hợp nặng có thể bị suy hô hấp và dẫn đến tử vong. Bệnh cúm A/H1N1 có triệu chứng giống với cúm thông thường, chỉ có thể chẩn đoán xác định bằng cách lấy dịch mũi họng tại cơ sở y tế để xét nghiệm.

Để không lây lan cho những người xung quanh, người bị bệnh cúm  nên nghỉ ngơi ở nhà, không đi làm, không đi học trong 7 ngày sau khởi phát. Mang khẩu trang khi tiếp xúc với người khác. Che miệng mũi khi ho, hắt hơi bằng khăn, khăn giấy sau đó phải rửa tay bằng nước và xà phòng. Chất thải của người bệnh phải để riêng với những chất thải còn lại.  Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Theo dõi sát các dấu hiệu của bệnh và đưa người bệnh đến bệnh viện ngay khi có các triệu chứng nặng.

Người bị bệnh cúm không nên đến nơi tập trung đông người, tiếp xúc với thai phụ, trẻ nhỏ, người có bệnh lý mạn tính. Tự ý sử dụng thuốc kháng virut.

Phòng tránh cúm A/H1N1

Virut cúm A/H1N1 có đặc điểm là nhanh chóng bị tiêu diệt bởi bức xạ mặt trời và tia cực tím, bị tiêu diệt ở nhiệt độ 700c và các chất tẩy rửa thông thường. Virut cúm A/H1N1 không có gene độc lực và gene làm tăng tính lây truyền, chúng rất ổn định về bộ gene và cấu trúc gene giống nhau trên toàn cầu nên sẽ nhanh chóng tìm được vắc-xin phòng chống loại virut cúm này. Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, chúng ta không được lơ là, chủ quan, nhưng cũng  không nên hoang mang lo lắng mà hãy bình tĩnh, theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình dịch bệnh và các biện pháp ứng phó với dịch.

Khuyến cáo về phòng tránh cúm A/H1N1của Bộ Y tế

- Khi có biểu hiện sốt cao, ho, đau họng, mệt mỏi, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn.

- Tránh tiếp xúc với càng nhiều người càng tốt, nếu buộc phải tiếp xúc thì nên đeo khẩu trang để tự bảo vệ cá nhân.

- Khi ho, hắt hơi, phải che miệng bằng khăn giấy, không khạc nhổ bừa bãi.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nhất là sau khi ho, hắt hơi.

- Nhỏ mũi, súc họng hàng ngày bằng dung dịch sát khuẩn.

- Tuyệt đối không tự ý mua thuốc và sử dụng tamiflu khi chưa có hướng dẫn của thầy thuốc.

- Hạn chế sử dụng điều hòa, thường xuyên làm vệ sinh và làm thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.

- Tăng cường dinh dưỡng, sử dụng thức ăn dễ tiêu, uống nhiều nước.

- Chỉ đến nơi làm việc và ra nơi công cộng sau khi hết sốt 3 ngày và không còn dấu hiệu của bệnh.


BS. Nguyễn Thị Phượng
Ý kiến của bạn