Chủ động phòng chống cháy nổ, cứu hộ cứu nạn tại cơ sở y tế

04-12-2023 09:00 | Y tế
google news

Bệnh viện mắt Hồng Sơn vừa phối hợp với Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ Công an Quận Hoàng Mai (Hà Nội) tổ chức buổi huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cho toàn thể cán bộ, công nhân viên của bệnh viện.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn (Bộ Công an), trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy (9 vụ cháy/ngày), trong đó 87 người chết, 206 người bị thương, thiệt hại về tài sản 1.631 tỷ đồng. Trong tháng 10.2023 xảy ra 1.639 vụ cháy, nổ khiến 139 người chết, 119 người bị thương, thiệt hại về tài sản trên 229,76 tỷ đồng.

Chủ động phòng chống cháy nổ, cứu hộ cứu nạn tại cơ sở y tế- Ảnh 1.

Tập huấn PCCC và cứu hộ cứu nạn tại Bệnh viện măt Hồng Sơn.

Chính vì vậy mặc dù hiện nay chưa tổ chức điều trị nội trú (không có bệnh nhân ở lại qua đêm), nhưng Bệnh viện mắt Hồng Sơn luôn chủ động trong công tác phòng chống cháy nổ.

Với đặc thù có mật độ người ra vào cao, chủ động phòng chống cháy nổ, Bệnh viện mắt Hồng Sơn đã trang bị hệ thống báo động khi có khói. Vòi nước cứu hỏa được trang bị ở các tầng, sẵn sàng đấu nối vào các họng nước được kết nối với bể chứa ngầm có dung tích 20m3 nước.

Ngoài ra, tại mỗi tầng đều có bình cứu hỏa. Cửa ra vào các tầng đều là cửa chống cháy. Bệnh viện cũng thành lập được đội phòng cháy chữa cháy gồm 15 người, trong đó có 5 người làm nòng cốt, được trang bị mũ, mặt nạ chống độc, ủng, kìm, búa, rìu, bộ đàm và đèn pin.

Phát biểu tại lớp tập huấn, bồi dưỡng về PCCC và cứu hộ cứu nạn của Bệnh viện mắt Hồng Sơn diễn ra cuối tuần qua, ông Võ Văn Phi – Giám đốc bệnh viện cho biết, với phương châm "Tích cực phòng cháy, sẵn sàng chữa cháy có hiệu quả", Bệnh viện Mắt Hồng Sơn tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC cho toàn thể cán bộ, công nhân viên của bệnh viện.

Chủ động phòng chống cháy nổ, cứu hộ cứu nạn tại cơ sở y tế- Ảnh 2.

Ông Võ Văn Phi – Giám đốc Bệnh viện Mắt Hồng Sơn phát biểu khai mạc lớp tập huấn.

Đây là việc làm cần thiết và ý nghĩa nhằm trang bị cho các cán bộ, công nhân viên những kiến thức cơ bản về PCCC; các văn bản Luật về PCCC, các nguyên nhân cháy nổ Kỹ năng thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra; Kỹ năng xử lý đám cháy của lực lượng tại chỗ; Một số biện pháp PCCC tại bệnh viện và kỹ năng sử dụng các phương tiện được trang bị tại cơ sở phục vụ cho chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ..., kỹ năng thoát hiểm...

Ngoài việc cử lực lượng trong đội PCCC tham gia những buổi tập huấn của TP Hà Nội và quận Hoàng Mai, hàng năm, Bệnh viện mắt Hồng Sơn đều phối hợp với giảng viên của Đại học PCCC về tận nơi huấn luyện cho cán bộ, nhân viên các kỹ năng phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn.

"Những buổi tập huấn như vậy rất ý nghĩa và thiết thực với toàn thể cán bộ bệnh viện nói chung và đội PCCC của bệnh viện nói riêng. Chúng luôn nhắc nhở mọi người luôn phải chú trọng, đề cao công tác phòng cháy chữa cháy"- Giám đốc Bệnh viện mắt Hồng Sơn cho biết.

"Công an quận Hoàng Mai cũng thường xuyên đến để kiểm tra và giúp đơn vị bảo trì, bảo dưỡng hệ thống PCCC. Nhờ đó, bệnh viện có đội ngũ bảo vệ chuyên nghiệp, thông thạo các kỹ năng PCCC, bảo đảm có mặt nhanh nhất khi có dấu hiệu hỏa hoạn" – ông Võ Văn Phi nhấn mạnh và cho biết thêm: Ban lãnh đạo bệnh viện mong muốn toàn thể cán bộ, công nhân viên sẽ được nâng cao hơn về năng lực, chuyên môn nghiệp vụ PCCC và cứu hộ, cứu nạn góp phần vào công cuộc đảm bảo an toàn cho người và tài sản nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do các vụ cháy, nổ và sự cố, tai nạn có thể xảy ra tại bệnh viện cũng như tại gia đình mình.

Chủ động phòng chống cháy nổ, cứu hộ cứu nạn tại cơ sở y tế- Ảnh 3.

Kiểm tra hoạt động của chuông báo cháy tại buổi tập huấn cho đội PCCC của Bệnh viện mắt Hồng Sơn

Là một thành viên trong Đội PCCC của Bệnh viện mắt Hồng Sơn, tham gia lớp huấn luyện, ông Nguyễn Bá Chính và các thành viên trong đội được Đại úy Vương Văn Khôi- Giảng viên trường Đại học Phòng cháy chữa cháy trao đổi những điều cần lưu ý từ những vụ hỏa hoạn diễn ra gần đây, đồng thời được hướng dẫn sử dụng thành thục hơn các phương tiện phòng cháy, chữa cháy.

Ông Chính chia sẻ: Tất cả thành viên trong đội PCCC chúng tôi thường xuyên nhắc nhở nhau nắm vững kiến thức để sẵn sàng ứng phó với các trường hợp khẩn cấp. Ví dụ như cháy về điện thì phải cắt điện, cháy các đồ dùng khác thì cần dùng bình khí chữa cháy... Buổi tập huấn công tác PCCC và cứu hộ cứu nạn do bệnh viện tổ chức và các chiến sĩ công an giảng giải nhiều nội dung liên quan đến PCCC rất bổ ích giúp chúng tôi củng cố, nâng cao kiến thức về nội dung này.

Chủ động phòng chống cháy nổ, cứu hộ cứu nạn tại cơ sở y tế- Ảnh 4.

Giảng viên Đại học Đại học Phòng cháy, chữa cháy hướng dẫn đội PCCC Bệnh viện mắt Hồng Sơn cách sử dụng, vận hành hệ thống PCCC.

Toạ lạc tại địa chỉ 709 Giải Phóng, Hà Nội, Bệnh viện mắt Hồng Sơn tuy mới thành lập hơn 2 năm nhưng đã tạo nên thương hiệu riêng, được xây dựng trên nền tảng kết hợp giữa đội ngũ cán bộ chuyên môn cao giàu y đức, cùng trang thiết bị hiện đại nhất hiện nay, đạt tiêu chuẩn Châu Âu.

Qua hơn 2 năm nỗ lực phấn đấu, bệnh viện đã khám trên 200.000 lượt, phẫu thuật 20.000 ca cận thị, đục thủy tinh thể, trong đó có nhiều ca phẫu thuật khó và phức tạp như bong võng mạc, cắt dịch kính, treo thuỷ tinh thể nhân tạo không khâu, lác, sụp mi, thẩm mỹ mắt…

Bệnh viện cũng đã thực hiện hơn 1000 ca mổ đục thủy tinh thể miễn phí cho các đối tượng chính sách, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh, gia đình liệt sĩ, người dân tộc thiểu số ở tỉnh, thành.




Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn