Cách lây lan vi khuẩn ho gà
Bệnh ho gà lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Bệnh cũng có thể lây truyền từ các đồ vật bị nhiễm dịch tiết đường hô hấp của người mắc bệnh. Tính lây truyền rất cao ngay sau khi bị phơi nhiễm với giọt nước miếng của bệnh nhân, nhất là đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như hộ gia đình, trường học. Người lớn có thể là một nguồn bệnh và lây nhiễm cho trẻ nhỏ mà không hề biết.
Vi khuẩn ho gà xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp trên rồi sau đó khu trú và phát triển ở thanh quản, khí quản; ở đó, vi khuẩn sẽ tiết ra một loại độc tố tên là Pertussis toxin - đây là loại protein độc lực chính đóng vai trò gây bệnh.
Mọi lứa tuổi, giới tính, dân tộc, vùng miền địa lý đều có thể bị ho gà nhưng bệnh xảy ra chủ yếu ở người trẻ tuổi, tỷ lệ mắc bệnh cao nhất hiện nay là ở trẻ dưới 5 tuổi. Trẻ dưới 6 tháng tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Trẻ em chưa được tiêm chủng vắc-xin ho gà đầy đủ liệu trình là đối tượng có nguy cơ cao nhất bị nhiễm bệnh và thường biểu hiện bệnh lý nặng. Các kháng thể từ mẹ không đủ để bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi nhiễm bệnh.
Triệu chứng và biến chứng của bệnh ho gà
Thời kỳ ủ bệnh ho gà thông thường từ 7 - 20 ngày, bệnh lây truyền mạnh nhất trong thời kỳ đầu viêm long, sau đó tính lây truyền giảm dần và sẽ mất đi sau 3 tuần mắc bệnh mặc dù lúc này cơn ho vẫn còn dai dẳng. Nếu được điều trị kháng sinh có hiệu lực thì thời gian lây truyền được rút ngắn và thông thường khoảng 5 ngày. Sau khoảng 1 - 2 tuần, triệu chứng bệnh ho gà ở trẻ em sẽ bắt đầu nặng hơn. Đặc biệt ở trẻ sơ sinh, ho gà có thể gây khó thở và có thể dẫn đến tử vong.
Các biến chứng của bệnh ho gà bao gồm: viêm phổi là nguyên nhân tử vong thường gặp nhất, thỉnh thoảng có kèm theo co giật và thiếu máu oxy não. Trẻ càng ít tuổi biến chứng ho gà càng nặng. Tình trạng miễn dịch với ho gà ở những người đã bị nhiễm bệnh hoặc đã tiêm ngừa có thể giảm dần theo thời gian.
Cách phòng bệnh tốt và hiệu quả nhất là đưa trẻ đi tiêm vắc-xin ho gà phối hợp đủ liều, đúng lịch. Ảnh: TM
Các giai đoạn tiến triển bệnh
Thời kỳ ủ bệnh: kéo dài từ 6-20 ngày (trung bình khoảng 9-10 ngày): thời kỳ này không có triệu chứng.
Giai đoạn viêm long đường hô hấp: kéo dài khoảng 1-2 tuần, các triệu chứng xuất hiện giống như các bệnh viêm đường hô hấp trên bao gồm sốt nhẹ, chảy nước mũi, ho húng hắng, hắt hơi. Cuối giai đoạn này, ho nặng thành cơn.
Giai đoạn khởi phát: kéo dài từ 1-6 tuần, có trường hợp đặc biệt có thể kéo dài trên 10 tuần với biểu hiện cơn ho điển hình như:
Ho: Trẻ ho rũ rượi thành từng cơn, mỗi cơn ho từ 15-20 tiếng ho liên tiếp, càng về sau càng yếu và giảm dần. Ở trẻ, những cơn ho xuất hiện nhiều làm trẻ yếu dần như ngừng thở do thiếu oxy, mặt tím tái, mặt đỏ, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt nước mũi.
Thở rít vào: xuất hiện cuối mỗi cơn ho hoặc xen kẽ sau mỗi tiếng ho, tiếng rít nghe như tiếng gà. Trẻ dưới 6 tháng tuổi có thể không thấy tiếng rít trong cơn ho. Kết thúc cơn ho bằng việc khạc đờm trắng, màu trong, dính. Trong đờm có vi khuẩn ho gà cũng là một nguồn lây bệnh. Trong khoảng 2 tuần đầu của giai đoạn này, tần suất các cơn ho khoảng 15 cơn/ngày, sau đó giảm dần, có thể kéo dài trên 3 tuần nếu không được điều trị. Sau mỗi cơn ho, trẻ mệt, có thể nôn, thở nhanh. Có thể kèm theo các triệu chứng sau: sốt nhẹ, mặt và mí mắt nặng.
Giai đoạn phục hồi: Cơn ho ít dần, bệnh nhân hạ sốt. Tuy nhiên sau đó nhiều tháng, ho có thể tái lại gây viêm phổi.
Biểu hiện bệnh ở người lớn và trẻ vị thành niên thường nhẹ, ít gặp cơn ho điển hình hoặc là không có triệu chứng, thường khỏi sau 7 ngày.
Biện pháp phòng bệnh hiệu quả
Cách phòng bệnh tốt và hiệu quả nhất là đưa trẻ đi tiêm vắc-xin ho gà phối hợp đủ liều, đúng lịch.
Thực hiện chăm sóc trẻ mắc ho gà đúng cách. Cách ly trẻ với những người bị ho gà trong thời gian ít nhất 4 tuần kể từ khi có cơn ho điển hình.
Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng; che miệng lại khi ho hoặc hắt hơi; giữ gìn vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ mỗi ngày. Luôn đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng mặt trời. Vệ sinh những đồ vật tiếp xúc hằng ngày bằng dung dịch vô khuẩn.
Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà thì phải cho trẻ nghỉ học, cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.