Bệnh cúm gây ra những triệu chứng nguy hiểm cho người bệnh và những cơn kịch phát cho những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính như hen suyễn, bệnh tim mạch, tiểu đường, viêm phổi mạn tính… Tuy nhiên, bệnh cảm lạnh và cúm là bệnh do nhiều loại virut gây ra nên có những triệu chứng giống nhau như là hắt hơi, sổ mũi, nhức đầu, đau nhức cơ thể, ho…; do đó, nhiều người rất dễ bị nhầm lẫn giữa hai bệnh này.
Nhận biết bệnh cúm
Bệnh cúm là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virut cúm (Influenza virus) và xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bệnh cúm là bệnh đường hô hấp nhưng có ảnh hưởng toàn thân, bệnh thường xảy ra đột ngột. Giai đoạn đầu của bệnh thường kéo dài 2-3 ngày với các triệu chứng: sốt, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, chán ăn. Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng đường hô hấp xuất hiện như: ho khan, sổ mũi, đau họng, sốt tăng nhanh và cao đến 40 - 41 độ C, sốt có thể kéo dài 4 - 8 ngày.
Tiêm vắc-xin là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh cho trẻ, trong đó có các bệnh cúm mùa.
Thông thường, bệnh nhân cúm tự hồi phục, nhưng các triệu chứng kéo dài trong nhiều ngày, có một số trường hợp có thể xảy ra biến chứng nặng, tiến triển ác tính có biểu hiện sốt cao, khó thở tím tái, phù phổi cấp do suy tim và có thể gây tử vong.
Cần phân biệt với bệnh cảm
Cảm lạnh là bệnh viêm hô hấp nhẹ hơn so với cúm. Trong khi các triệu chứng cảm lạnh có thể làm cho bạn cảm thấy không khỏe một vài ngày; các triệu chứng bệnh cúm có thể làm cho bạn cảm thấy rất mệt trong một vài ngày đến vài tuần. Nhưng cúm có thể gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như viêm phổi hoặc suy hô hấp, cần phải nhập viện điều trị. Để có cách chăm sóc thích hợp cho sức khỏe, cần biết cách nhận biết thêm những dấu hiệu đặc trưng phân biệt cúm và cảm như sau: Bệnh cảm có sốt, nhưng không cao và không kéo dài; đau nhức cơ thể ít, nhẹ; thường xảy ra hắt hơi, sổ mũi nhiều; hay gặp đau họng; ho khan, ho ít hoặc ho rũ rượi; ít xảy ra đau đầu; mệt mỏi nhẹ và cảm giác khó chịu ở ngực ít khi xảy ra, nếu có thì bệnh nhân chỉ cảm thấy khó chịu đôi chút. Nếu không chăm sóc tốt sức khỏe, bệnh có thể dẫn đến viêm xoang, viêm tai. Bệnh có thể tự khỏi, một vài trường hợp sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm để giảm triệu chứng viêm đường hô hấp.
Virut cúm.
Lời khuyên của thầy thuốc
Cách chủ động phòng ngừa bệnh cúm tốt nhất là tiêm vắc-xin. Vắc-xin ngừa cúm có thể sử dụng cho trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên. Ngoài ra, có thể phòng ngừa bệnh bằng cách: Mặc ấm khi thời tiết lạnh, hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh, rửa tay sạch thường xuyên, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát… Tăng cường sức khỏe bằng ăn uống hợp lý, đủ dinh dưỡng, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao… Khi có dấu hiệu bị cúm nặng, cần phải đến cơ sở y tế khám, điều trị đúng cách nhằm tránh lây nhiễm cho người khác.
Lợi ích của việc tiêm ngừa cúm là giảm nguy cơ lây bệnh cúm cho gia đình và cộng đồng. Giảm ảnh hưởng công việc hàng ngày khi mắc bệnh cúm. Phòng tránh những biến chứng nguy hiểm của bệnh; giảm chi phí nằm viện. Giảm nguy cơ mắc bệnh, tiến triển bệnh nặng ở những người có nguy cơ cao như trẻ em, người già, người mắc bệnh tim mạch, hen phế quản, tiểu đường, bệnh phổi mạn tính, bệnh thận, ung thư, người sống và làm việc trong môi trường đông người…
Bộ Y tế cũng khuyến cáo các đối tượng dễ lây nhiễm sau đây nên tiêm phòng vắc- xin cúm bao gồm: Nhân viên y tế, trẻ em từ 6 tháng đến 8 tuổi, người già trên 65 tuổi. Người mắc bệnh mạn tính: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, bệnh mạch vành, bệnh đái tháo đường, suy giảm miễn dịch…
Việc tiêm ngừa cúm không chỉ giúp phòng ngừa chủng cúm mùa đang lưu hành (trong đó có chủng cúm A/H1N1) mà còn giúp giảm nhẹ triệu chứng nếu mắc phải các chủng cúm A khác do tính miễn dịch chéo trong vắc-xin. Vì vậy, nên tiêm ngừa vắc-xin cúm ngay khi có thể để đảm bảo miễn dịch bảo vệ.