Chủ động lên phương án cứu hộ y tế cho nạn nhân sập hầm thủy điện

17-12-2014 19:30 | Thời sự
google news

SKĐS - Chiều ngày 17/12, Bộ Y tế đã có công điện hỏa tốc số 9153 /BYT-KCB gửi Sở Y tế Lâm Đồng đề nghị tập trung cứu chữa y tế với những nạn nhân do sập hầm thủy điện Đạ Dâng

* Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trực tiếp kiểm tra công tác y tế chuẩn bị cứu nạn cứu hộ tại hiện trường vụ sập hầm

* Khoan ngang hút nước và khoan cọc nhồi để cứu người kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng- Đạ Chomo

Chiều ngày 17/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trực tiếp đến hiện trường vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo, Lâm Đồng trực tiếp kiểm tra công tác y tế chuẩn bị hỗ trợ cứu nạn cứu hộ

Tại đây Bộ trưởng nhắc nhở các cán bộ y tế tỉnh Lâm Đồng túc trực, sẵn sàng cấp cứu cho 12 công nhân ngay sau khi được giải cứu.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo ngành y tế chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ thuốc men, thiết bị y tế để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân về y tế, đồng thời đã điều động bác sĩ chuyên khoa chống ngạt từ TP Hồ Chí  Minh đến hiện trường phối hợp cấp cứu các nạn nhân.

Tại hiện trường, Bộ trưởng Y tế nhắc nhở cán bộ trong ngành phối hợp các lực lượng cứu hộ, cứu nạn khác bơm oxy và chuyển thức ăn, nước uống kịp thời cho những người bị kẹt trong hầm.

Cũng trong chiều ngày 17/12, Bộ Y tế đã có công điện hỏa tốc số 9153 /BYT-KCB gửi Sở Y tế Lâm Đồng đề nghị tập trung cứu chữa y tế với những nạn nhân do  sập hầm thủy điện Đạ Dâng.

Trong công văn của Bộ Y tế gửi ngành y tế Lâm Đồng do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên ký ban hành, nhấn mạnh, Sở Y tế Lâm Đồng trong mấy ngày qua đã tập trung chỉ đạo và cùng các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc tích cực phối hợp với các Sở ban, ngành, cơ quan liên quan tập trung phương án giải cứu và cấp cứu người bị nạn.

Theo thông tin cập nhật trong ngày, số người bị tai nạn sập đường hầm hiện nay vẫn còn sống, đang được các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn tích cực giải cứu để đưa ra ngoài. Hiện các nạn nhân đang bị đói, rét và có thể phát sinh hoặc tăng nặng các bệnh kèm theo khác.

Do đó, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Lâm Đồng tiếp tục chỉ đạo sát sao việc lập và thực hiện các phương án về cấp cứu y tế cho những người bị nạn, chỉ đạo việc hồi sức, cấp cứu, chăm sóc, vận chuyển, dinh dưỡng  , vệ sinh và các nội dung chăm sóc sức khỏe khác liên quan cho các nạn nhân thật chu đáo.

“Trong trường hợp cần thiết phải xin ý kiến chuyên gia các lĩnh vực trên từ các bệnh viện tuyến cuối tại Tp Hồ Chí Minh và Hà Nội qua đường dây nóng hoặc sẵn sàng mời và đón các chuyên gia về trực tiếp cứu chữa cho người bệnh theo phương án tốt nhất nhằm giảm tối đa tử vong và hồi phục sức khỏe tốt nhất cho người bị nạn”- Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh.

Về phía Sở Y tế Lâm Đồng, triển khai chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế Lâm Đồng cho biết, đến nay, 9 xe cứu thương, nhiều loại thuốc, chăn ấm (đề phòng trường hợp nạn nhân bị ngâm lâu dưới nước, bị giảm thân nhiệt) và thiết bị như bình oxy, nẹp chấn thương, dụng cụ đặt nội khí quản tại chỗ… được đưa đến hiện trường, sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết.

Hàng chục y, bác sĩ,  điều dưỡng hồi sức cấp cứu từ nhiều bệnh viện đã có mặt tại khu vực xảy ra sự cố để hỗ trợ cứu hộ. Lực lượng này được chia thành ba tổ:

Tổ một gồm 3 bác sĩ, 10 điều dưỡng sẽ trực tiếp vào trong hầm cấp cứu nạn nhân ngay sau khi hầm được thông.

Tổ hai gồm 2 bác sĩ và 3 điều dưỡng chờ ở cửa để đón bệnh nhân.

Tổ ba gồm 1 bác sĩ và 3 điều dưỡng sẽ trực tại lán đề phòng trường hợp phải cấp cứu nạn nhân tại chỗ.

Cũng trong chiều tối ngày 17/12, TS. BS Nguyễn Trường Sơn, giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.Hồ Chí Minh cho biết theo yêu cầu của Bộ Y tế trưa ngày 17/12, ba bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy, trong đó có một phó giám đốc của bệnh viện và hai bác sĩ của khoa Hồi sức cấp cứu đã lên Lâm Đồng sẵn sàng hỗ trợ bệnh viện tỉnh Lâm Đồng trong việc ứng cứu các nạn nhân.

Lực lượng cứu hộ đang đưa bình ô xy vào bên trong                                  Ảnh : Báo Tuổi trẻ

 

Lực lượng cứu hộ đang đưa bình ô xy vào bên trong Ảnh : Báo Tuổi trẻ

Đường hầm nơi xảy ra vụ sập hầm khiến 11 công nhân mắc kẹt

 

Đường hầm nơi xảy ra vụ sập hầm khiến 11 công nhân mắc kẹt. Ảnh: Báo Tuổi trẻ

Liên quan đến vụ việc này, từ 13h chiều ngày 17/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã đến hiện trường sập hầm thủy điện để chỉ đạo công tác cứu hộ.

Sau khi thị sát hiện trường và nghe các đơn vị cứu hộ cứu nạn báo cáo tình hình nhưng không có mặt chủ đầu tư, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã phê bình chủ đầu tư thiếu trách nhiệm. Đại diện nhà đầu tư cho biết chủ đầu tư đang ở nước ngoài, thì bộ trưởng yêu cầu phải thông báo buộc về ngay.

Hai bộ trưởng cũng thống nhất với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng sử dụng cùng lúc cả 2 phương án để cứu người là khoan ngang hút nước và khoan cọc nhồi từ trên xuống, nên phải tính toán kỹ để bảo đảm an toàn cho những người cứu hộ.

Cũng trong chiều ngày 17/12, đại tá Lê Tấn Bửu – Giám đốc Sở cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (PCCC) TP.Hồ Chí Minh, cho biết lúc 15h cùng ngày, đoàn xe chi viện do Sở PCCC thành phố điều động gồm 2 xe cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp, 2 xe chuyên dụng chở 45 cán bộ chiến sĩ, cùng nhiều thiết bị, máy móc lên đường đến hiện trường khu vực sập hầm mỏ ở Lâm Đồng để tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ.

Trước đó, Đoàn công tác Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã đến hiện trường phối hợp với chủ đầu tư và đơn vị thi công khắc phục sự cố.

Thái Bình


Ý kiến của bạn