Đó là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với các đơn vị y tế trực thuộc và Sở Y tế các địa phương trong việc đảm bảo công tác y tế dịp nghỉ lễ kéo dài từ 30/4 - 4/5 tại Công điện hỏa tốc số 2358/CĐ-BYT. Cùng với đó, trong đợt nghỉ lễ, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và các đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế đã đi kiểm tra thực tế công tác phòng chống bệnh sởi và các dịch bệnh khác tại nhiều địa phương trong cả nước.
Các biện pháp hiệu quả của y tế Hà Nội được đánh giá cao
Tiếp tục các chuyến kiểm tra công tác điều trị và phòng chống bệnh sởi trên địa bàn Hà Nội, trong những ngày nghỉ lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đi kiểm tra công tác điều trị bệnh sởi tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP. Hà Nội gồm: BV Xanh Pôn, BV Thanh Nhàn, BVĐK Đức Giang và Trung tâm Y tế quận Long Biên. Cùng đi với đoàn của Bộ trưởng, về phía thành phố Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền.
Qua kiểm tra thực tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao các biện pháp mà các cơ sở y tế của TP. Hà Nội đã triển khai để đạt được hiệu quả tích cực trong việc giảm đáng kể số bệnh nhân tới khám, giảm tải tình trạng quá tải bệnh nhân và tử vong do bệnh sởi. Bộ trưởng cũng yêu cầu ngành y tế Hà Nội cần tiếp tục thực hiện phân tuyến bệnh nhân, huy động mọi nguồn lực để cứu chữa cho bệnh nhân sởi nặng, hạn chế tối đa số ca tử vong. Các TTYT triển khai triệt để việc tiêm vaccin sởi trong độ tuổi và tiêm vét sởi đạt tỷ lệ cao nhất.
Hải Phòng ghi nhận nhiều trường hợp mắc thủy đậu
Báo cáo công tác y tế trên địa bàn với đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến làm trưởng đoàn, BS. Phan Trọng Khánh, Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng cho biết, tính đến ngày 2/5, ghi nhận 366 trường hợp nghi mắc sởi/Rubella tại 15/15 quận huyện, 423 trường hợp mắc thủy đậu. Sở Y tế Hải Phòng đã chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Y tế từ phác đồ điều trị đến phân luồng, cách ly bệnh nhân sởi và hiện tại Hải Phòng đã đạt tỷ lệ tiêm chủng phòng sởi đạt 97%. “Tình hình bệnh nhân sởi tại Hải Phòng hiện không tăng nhưng vẫn còn một số ca bệnh nặng” - ông Khánh cho biết.
Sau khi kiểm tra tại BV Việt Tiệp, BVĐK Thủy Nguyên, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đánh giá cao nỗ lực của ngành y tế Hải Phòng với tỷ lệ tiêm chủng về sởi đạt 97% và giữ cho dịch không tăng. Thứ trưởng đề nghị các bệnh nhân nghi sởi cần tập trung vào khu kiểm tra riêng, nếu đúng mắc sởi cho vào chuyên khoa điều trị tránh lây nhiễm chéo. Ngoài ra, đối với người nhà vào chăm sóc cũng cần cách ly để tránh lây nhiễm cho gia đình. Bên cạnh đó, cần tăng cường các trang thiết bị như khẩu trang, dung dịch khử khuẩn... và công tác tuyên truyền để cộng đồng hiểu và phòng chống bệnh sởi đúng khuyến cáo của ngành y tế. Đồng thời ngành y tế Hải Phòng cần tiếp tục chủ động phòng chống bệnh tay - chân - miệng, bệnh thủy đậu và các dịch bệnh khác.
Nghệ An đạt tỷ lệ tiêm vét vaccin sởi gần 100%
Đoàn công tác do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch sởi tại Nghệ An. Theo báo cáo của Sở Y tế Nghệ An, hiện nay, tình hình bệnh sởi trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ổn định, số ca mắc bệnh đã có chiều hướng thuyên giảm. Triển khai chỉ đạo của Bộ Y tế, công tác tiêm vaccin sởi đã được triển khai rộng khắp ở 20/20 huyện, thành phố, thị xã. Tính đến ngày 1/5, đã có 29.739 trẻ từ 9 - 24 tháng tuổi được tiêm vaccin sởi đạt 96,6%, số còn lại sẽ được tiêm đủ trong thời gian sớm nhất. Tại buổi làm việc, Sở Y tế Nghệ An đề xuất Bộ Y tế cấp thêm 50.000 liều vaccin sởi để tiếp tục tiêm miễn phí cho trẻ em ở những địa phương có tỷ lệ trẻ mắc sởi cao.
Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá cao những nỗ lực của ngành y tế Nghệ An trong công tác phòng chống dịch sởi thời gian qua, đặc biệt là việc đẩy nhanh công tác tiêm phòng chống dịch sởi và tiêm vét vaccin sởi đạt kết quả cao. Thứ trưởng cũng lưu ý ngành y tế Nghệ An cần phải giám sát chặt chẽ tình hình dịch để có cách ứng phó một cách kịp thời và có hiệu quả; đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền hướng dẫn người dân về phòng chống bệnh sởi, cách chăm sóc trẻ bị sởi và sau khi bị sởi... giảm việc đưa trẻ mắc sởi nhẹ vượt tuyến để tránh lây nhiễm chéo và nhiễm khuẩn bệnh viện; quản lý chặt các đối tượng tiêm chủng, lịch tiêm chủng; phân tuyến điều trị phù hợp, đồng thời đẩy mạnh phòng chống các dịch bệnh khác như tay - chân - miệng, thủy đậu...
Nhóm PV TS-CT