Chủ động giám sát và xử trí để chặn sốt xuất huyết

08-08-2020 14:53 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Mùa hè là thời điểm thời tiết nóng ẩm, thường xuyên xuất hiện những cơn mưa rào tạo điều kiện thuận lợi để các dịch bệnh phát triển và bùng phát mạnh mẽ. Các bệnh mùa hè thường gặp chủ yếu là bệnh tiêu chảy, bệnh thủy đậu, tay chân miệng, trong đó có cả sốt xuất huyết (SXH).

Vì vậy, việc giám sát bệnh nhân SXH là một trong những nội dung của công tác giám sát dịch tễ rất cần thiết nhằm góp phần tổ chức thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh có hiệu quả. Điều này cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, nhất là vào thời điểm gần đỉnh dịch để có biện pháp xử trí kịp thời, phù hợp.

Mùa mưa dễ bùng phát dịch SXH

SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. 2 loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti.

SXH xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rất phổ biến, ở cả 4 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, kể cả ở thành thị và vùng nông thôn, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.

Sự nguy hiểm của SXH ở chỗ bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh. Hơn nữa, bệnh thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong, nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội.

Mặt khác, bệnh SXH do virus Dengue gây ra với 4 type gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 type gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng type cho nên người ta có thể mắc bệnh  SXH lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những type khác nhau.

Tích cực diệt lăng quăng, bọ gậy phòng sốt xuất huyết.

Tích cực diệt lăng quăng, bọ gậy phòng sốt xuất huyết.

Tích cực diệt lăng quăng, bọ gậy phòng sốt xuất huyết.

Theo dõi bệnh nhân SXH

Bệnh nhân SXH là nguồn lây bệnh trong thời kỳ có sốt, trong vòng 5 ngày đầu của thời kỳ sốt là giai đoạn ở máu có nhiều virus nhất. Muỗi bị nhiễm virus thường sau 8-12 ngày sau khi hút máu người bệnh và có thể truyền bệnh sang cho người lành, đồng thời có khả năng truyền bệnh suốt đời. Vì vậy, việc giám sát bệnh nhân SXH là một yêu cầu quan trọng trong các nội dung giám sát dịch tễ.

Đối với việc chăm sóc bệnh nhân trong 3 ngày đầu có phản ứng sốt cao như sốt virus thông thường khác và thường chưa có biến chứng nên điều trị tại nhà bằng cách nghỉ ngơi tuyệt đối trong môi trường thoáng mát (có điều hòa nhiệt độ là lý tưởng), uống nước có pha bột điện giải oresol theo chỉ dẫn (từ 2 lít/ngày), uống nước hoa quả, sinh tố, bổ sung vitamin C, B1 và ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, giàu năng lượng, giàu protein như cháo thịt nạc, súp... Khi sốt, nhiệt độ cơ thể tăng lên, vì vậy phải tìm mọi cách để làm cho cơ thể tỏa nhiệt ra bằng cách uống thuốc paracetamol hạ sốt kết hợp với chườm nước mát ở vị trí nách, bẹn và các nếp gấp, còn lau toàn bộ cơ thể bằng nước ấm để hạ nhiệt. Khi toàn thân được lau bằng nước ấm giúp nhiệt độ cơ thể tỏa ra nhanh hơn. Ngoài ra, cần chú ý cho bệnh nhân mặc quần áo thoáng bởi khi bệnh nhân sốt cao, lúc ấy cơ thể thường có cảm giác ớn lạnh thì nhiều người không biết lại đắp chăn hoặc mặc nhiều quần áo cho bệnh nhân, càng làm hạn chế việc tỏa nhiệt của cơ thể.

Người bệnh tuyệt đối không được dùng aspirin hoặc ibuprofen để hạ sốt mà chỉ uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ trên 38,5 độ C với liều paracetamol 10-15mg/kg/lần, có nghĩa là người 40kg uống 1 viên 500mg/lần và người trên 70kg uống 2 viên/lần, cách 4-6 giờ uống 1 lần kết hợp với hạ sốt bằng phương pháp vật lý như kể trên.

Trong ngày thứ 4-7, người nhà đặc biệt chú ý, khi bệnh nhân có dấu hiệu bất thường như mệt lả, vã mồ hôi, chân tay lạnh, đau bụng, nôn, khó thở, chảy máu cam hoặc chân răng, rong kinh..., cần đến ngay cơ sở y tế để chữa trị ngăn ngừa biến chứng.

Việc cần làm ngay

Trước tình hình SXH Dengue đang bùng phát mạnh hiện nay với các yếu tố có thể xác định được dịch đã xảy ra thì nên công bố và thông báo cụ thể dịch bệnh để huy động các cấp chính quyền, ban ngành đoàn thể và cả cộng đồng người dân cùng tham gia thực hiện các biện pháp đối phó, phòng chống, dập dịch một cách tích cực, kịp thời, hiệu quả nhằm khống chế bệnh phát tán, lan rộng. Đối phó với dịch bệnh SXH gây nhiều thiệt hại về sức khỏe và tính mạng cũng là một dịp để cộng đồng người dân tự nâng cao kiến thức, thái độ và hành vi trong việc phòng bệnh; đồng thời giúp hệ thống chính quyền, các ban ngành đoàn thể kể cả ngành y tế dự phòng có được bài học kinh nghiệm để chủ động phòng ngừa. Khẩu hiệu hành động “không có bọ gậy, không có lăng quăng, không có SXH” thì đã có nhưng phải làm cho nó thật sự đi vào cuộc sống của cộng đồng người dân thì mới có ý nghĩa trong chủ động phòng bệnh SXH.


BS. Nguyễn Lê Xuân
Ý kiến của bạn