Trong 2 tháng đầu năm 2015, bệnh sốt xuất huyết (SXH) có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. Cụ thể, bệnh SXH ghi nhận số ca mắc tăng tại các tỉnh, thành phố như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, An Giang, Long An, Tiền Giang, Khánh Hòa, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bình Định, Đồng Tháp, Tây Ninh và Cà Mau. Bệnh tay - chân - miệng ghi nhận số ca mắc tăng tại Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng.
Cần Thơ tổ chức giám sát chặt chẽ bệnh sốt xuất huyết ngay tại địa bàn.
Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TP. Cần Thơ, từ đầu năm 2015 đến ngày 16/3/2015, toàn thành phố có 118 ca SXH, tăng 37 ca so với cùng kỳ. Khoa SXH, Bệnh viện Nhi đồng TP. Cần Thơ có 40 giường bệnh nhưng có 53 bệnh nhi đang điều trị. Theo lãnh đạo khoa, từ đầu năm 2015 đến ngày 11/3, số bệnh nhân bị SXH nhập viện điều trị tại khoa thường dao động từ 30-40 người/ngày. Tuy nhiên, 2 tuần gần đây lượng bệnh có tăng hơn. Ngoài bệnh nhi chẩn đoán bệnh SXH, khoa cũng tiếp nhận những ca sốt siêu vi, tiêu chảy... nghi ngờ bị SXH. Nếu tình trạng bệnh nhi bị SXH nhẹ, khoa cấp thuốc để điều trị tại nhà. BS. Bùi Hùng Việt, Trưởng khoa SXH cho biết: “Tình hình bệnh SXH năm 2014 và đầu năm 2015 đến nay diễn biến tương đối ổn định, gần đây số ca mắc có tăng lên. Năm 2014, khoa tiếp nhận 638 ca, trong đó 334 ca ở TP. Cần Thơ. Riêng đầu năm 2015 đến ngày 10/3, khoa tiếp nhận điều trị 115 ca, trong đó TP. Cần Thơ có 72 ca”.
Trước tình hình bệnh SXH tăng cao ở một số quận, huyện của Cần Thơ, lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm YTDP TP. Cần Thơ tổ chức đoàn đến các địa phương làm việc và chỉ đạo triển khai phun thuốc trên diện rộng diệt muỗi ở các ấp, khu vực có số ca mắc SXH tăng. Trung tâm YTDP TP. Cần Thơ cấp máy phun hóa chất các quận, huyện này. Theo BS. Trần Văn Tuấn, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và Vắc-xin sinh phẩm, Trung tâm YTDP TP. Cần Thơ: “Thời gian tới, nếu số ca SXH còn tiếp tục tăng thì ngành y tế sẽ tiếp tục phun hóa chất diệt muỗi diện rộng bằng xe cơ giới. Hiện nay, Trung tâm YTDP TP. Cần Thơ đã cấp cho 9 quận, huyện hóa chất phun diệt muỗi, tờ rơi tuyên truyền”. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH, kịp thời xử lý các ổ dịch SXH, mỗi buổi chiều, Trung tâm YTDP TP. Cần Thơ nắm số liệu bệnh nhân SXH toàn thành phố đang điều trị tại các bệnh viện để báo cáo lãnh đạo ngành y tế và thông báo các quận, huyện, trạm y tế kịp thời xử lý. BS. Trần Văn Tuấn cho biết thêm: “Với ca SXH độ A, B, xử lý môi trường và tuyên truyền cho người dân phòng, chống bệnh. Nếu có 2 ca độ A, B ở cùng khu vực, ấp trong 1 tuần hoặc 1 ca độ C thì tính là ổ dịch nhỏ, y tế địa phương phối hợp với chính quyền, các ban, ngành... tổ chức vệ sinh môi trường, tuyên truyền cho người dân diệt lăng quăng rồi tiến hành phun hóa chất diệt muỗi trong 48 giờ”.
Để chủ động phòng chống, kiên quyết không để dịch bùng phát trên diện rộng, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, huy động quần chúng nhân dân triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch SXH, tay - chân - miệng trên địa bàn.
UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp bệnh, xử lý triệt để ổ dịch. Ngành y tế chuẩn bị đầy đủ thuốc men, vật tư, phương tiện, hóa chất phục vụ công tác phòng chống và điều trị dịch bệnh trong mọi tình huống. Các bệnh viện, cơ sở y tế có giường bệnh chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, tập huấn cán bộ về các phác đồ cấp cứu và điều trị, chú trọng việc phân tuyến, phân luồng tránh quá tải khi có đông bệnh nhân và dự phòng lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế, tăng cường cấp cứu và điều trị bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.
Nguyễn Hoa