Chủ động chặn nguy cơ viêm gan B ở trẻ

07-02-2016 07:20 | Đời sống
google news

SKĐS - Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), viêm gan B là một bệnh nhiễm trùng do virut tấn công gan và có thể gây viêm gan cấp tính và mạn tính. Tuy nhiên, tiêm vắc-xin giúp ngăn chặn hiệu quả căn bệnh nguy hiểm này.

Theo đánh giá của WHO, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ hiện mắc viêm gan B cao, ước tính có khoảng 8,6 triệu người nhiễm virut viêm gan B. Tỷ lệ nhiễm virut viêm gan B mạn tính khoảng 8,8% ở phụ nữ và 12,3% ở nam giới. Nhiễm virut viêm gan B mạn tính là nguyên nhân chính gây bệnh gan ở Việt Nam như xơ gan và ung thư gan.

Trên thế giới, vắc-xin viêm gan B đã được sử dụng từ năm 1982. Hiệu quả của vắc-xin viêm gan B đạt 95% trong ngăn ngừa lây nhiễm virut và các hậu quả mạn tính của bệnh. Khả năng để nhiễm virut viêm gan B trở thành mạn tính phụ thuộc vào độ tuổi lúc bị nhiễm bệnh. Nhiễm virut viêm gan B ở trẻ dưới 6 tuổi rất dễ trở thành mạn tính với khoảng 80-90% trẻ sơ sinh bị nhiễm virut viêm gan B sẽ trở nên nhiễm virut mạn tính, 30-50% trẻ bị nhiễm virut viêm gan B trước 6 tuổi sẽ trở nên nhiễm virut mạn tính.

Khi nào nên tiêm vắc-xin viêm gan B?

Viêm gan B là bệnh có thể dự phòng được bằng vắc-xin an toàn và hiệu quả. WHO khuyến cáo, tất cả trẻ sơ sinh cần được tiêm phòng viêm gan B càng sớm càng tốt sau khi sinh, tốt nhất là trong vòng 24 giờ đầu tiên. Việc tiêm vắc-xin thực hiện càng sớm thì hiệu quả càng cao, với mũi tiêm trong 24 giờ có khả năng phòng được 85-95% các trường hợp lây truyền từ mẹ sang con. Hiệu quả phòng ngừa sẽ giảm dần theo từng ngày từ 50-57% và không đạt được nếu tiêm sau 7 ngày.

Tiếp theo liều sau sinh, cần tiêm thêm ba liều nữa để hoàn thành loạt tiêm ban đầu khi trẻ dưới 1 tuổi. Tất cả trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi chưa được tiêm phòng trước đó cũng nên được chủng ngừa.

Tại Việt Nam, tiêm chủng vắc-xin viêm gan B cho tất cả trẻ sơ sinh đã được triển khai từ năm 2004, tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng mũi vắc-xin này còn chưa cao do tâm lý còn lo ngại của các bậc cha mẹ với mũi vắc-xin đầu đời. Mặt khác, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 3 mũi vắc-xin viêm gan B cho trẻ dưới 1 tuổi trong nhiều năm trở lại đây đều đạt trên 90%, ngoại trừ năm 2013 có tỷ lệ thấp hơn với việc tạm ngừng sử dụng vắc-xin phối hợp phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não do vi khuẩn Hib. Nhờ việc triển khai tiêm vắc-xin, chỉ còn 2% trẻ dưới 5 tuổi tại Việt Nam bị nhiễm virut viêm gan B (khảo sát năm 2011 của WHO). Việt Nam đang cùng với các nước trong khu vực hướng tới mục tiêu giảm tỷ lệ hiện mắc viêm gan B xuống dưới 1% ở trẻ dưới 5 tuổi vào năm 2017.


Dự án TCMR
Ý kiến của bạn