Chủ động chặn dịch cúm A/H7N9 từ cửa khẩu

11-03-2017 15:17 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Dịch cúm A/H7N9 ở Trung Quốc hiện đang diễn biến phức tạp, đồng thời, tại một số địa phương trong nước đã xảy ra một số ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm.

Dịch cúm A/H7N9 ở Trung Quốc hiện đang diễn biến phức tạp, đồng thời, tại một số địa phương trong nước đã xảy ra một số ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm. Đến thời điểm này, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do cúm A/H7N9, nhưng đáng quan ngại là tại các tỉnh sát biên giới Việt Nam như Giang Tây, Vân Nam và Quảng Đông (Trung Quốc) đã ghi nhận các ổ dịch. Nếu không có biện pháp ngăn chặn khẩn cấp thì  nguy cơ  phải đối phó với dịch bệnh kép là hoàn toàn có thể xảy ra.

Cúm A/H7N9 rình rập ở biên giới

Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới, tại Trung Quốc, từ năm 2013 đến nay, đã có 5 đợt dịch bùng phát với 1.222 trường hợp mắc, trong đó có 395 ca tử vong tại 18 tỉnh/thành phố. Riêng một tháng gần đây (từ 19/1 - 14/2/2017), Trung Quốc đã phát hiện thêm 304 trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 tại 18 tỉnh/thành phố.Kiểm tra nhiệt độ hành khách bằng máy đo thân nhiệt tia hồng ngoại. Ảnh: TTXVN

Kiểm tra nhiệt độ hành khách bằng máy đo thân nhiệt tia hồng ngoại. Ảnh: TTXVN

Lạng Sơn là địa phương có đường biên giới giáp Trung Quốc khá dài, do đó công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương này đang được đặt ở mức cao. Ông Lý Kim Soi - Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Lạng Sơn cho biết, công tác giám sát dịch bệnh đang được Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Lạng Sơn và các lực lượng tại cửa khẩu đặt lên hàng đầu; từ việc giám sát dịch bệnh của hành khách nhập cảnh cho tới việc giám sát dịch bệnh trên gia cầm. Trung tâm đã chỉ đạo các Tổ kiểm dịch y tế cửa khẩu tăng cường giám sát phòng chống dịch bệnh khu vực biên giới và các cửa khẩu, thực hiện nghiêm túc các quy định về giám sát và kiểm tra y tế các đối tượng phải kiểm dịch y tế, đặc biệt là đối với người nhập cảnh đến từ vùng có ghi nhận các ca bệnh. Đồng thời, bố trí cán bộ trực thường xuyên theo dõi thân nhiệt khách nhập cảnh qua máy đo thân nhiệt từ xa phát hiện sớm các trường hợp có biểu hiện sốt, viêm đường hô hấp cấp không rõ nguyên nhân để tổ chức khám, cách ly và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, phía Việt Nam cũng phối hợp với Trung Quốc vận động công dân hai nước nếu có biểu hiện sốt thì sẽ khuyên không nhập cảnh.

BS. Nguyễn Hữu Trường - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Lạng Sơn chia sẻ, công tác dự phòng được ngành y tế triển khai đến tất cả các đơn vị. Đã bố trí bộ phận nằm tại các cửa khẩu nếu gặp trường hợp nghi ngờ thì lấy mẫu gửi về Hà Nội làm xét nghiệm.

Tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đã được trang bị 2 máy đo thân nhiệt bằng camera và trung tâm đã lắp đặt một số máy đo thân nhiệt tự động từ xa tại một số cửa khẩu khác như Tân Thanh, Cốc Nam và ga Đồng Đăng. Cùng với đó, tăng cường thêm một số máy test nhanh tại các cửa khẩu, đặc biệt là các máy test nhanh này được sử dụng triệt để tại các cửa khẩu phụ - nơi chưa có máy đo thân nhiệt tự động.

Trước đó, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đã ban hành Công điện khẩn về việc tăng cường các biện pháp ngăn chặn virut cúm A/H7N9 và các chủng virut cúm gia cầm khác xâm nhập tỉnh Lạng Sơn.

Tại Quảng Ninh, BS. Nguyễn Đình Thi - Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh có khoảng 118km đường biên giới giáp với Trung Quốc nên nguy cơ dịch cúm A/H7N9 xâm nhập khá cao. Theo đó, ngành y tế đang triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch cúm A/H7N9 từ các cửa khẩu Việt - Trung đến cộng đồng dân cư để kịp thời phát hiện sớm ổ dịch và khoanh vùng không cho dịch lây lan. Hiện tại, các cửa khẩu chính đã được trang bị các thiết bị như máy đo thân nhiệt (đối với người) và tổ chức phun hóa chất khử trùng đối với hàng hóa, phương tiện nhập khẩu vào Việt Nam. Khi phát hiện người nhập cảnh có biểu hiện sốt, nhiễm cúm sẽ tổ chức cách ly...

Cúm A/H5N1 bùng phát tại một số địa phương

Trong khi tại khu vực biên giới phía Bắc đang bám sát tình hình diễn biến của dịch cúm A/H7N9 từ Trung Quốc, thì theo thống kê của Cục Thú y, tính đến ngày 8/3, tại 6 địa phương trong nước là Bạc Liêu, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai, Nghệ An và Tây Ninh đã ghi nhận ổ dịch cúm A/H5N1. Theo nhận định của Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Một số chủng virut cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam (A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8) có nguy cơ xâm nhiễm trong nước thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu. Các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống cúm gia cầm; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời.

Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy, để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của virut cúm A/H7N9, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau: không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương, đơn vị thú y; khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.


Ng. Dương - T. Nguyên
Ý kiến của bạn