Chủ đầu tư “lật kèo”, dân khiếu kiện

11-06-2020 16:23 | Xã hội
google news

SKĐS - Dự án (DA) Thủy điện Hủa Na được xây dựng trên địa bàn 2 xã biên giới Đồng Văn và Thông Thụ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.

Sau 13 năm triển khai DA, chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Thay vì đó, chủ đầu tư DA này “lật kèo” lập ra một phương án đền bù khác gây thiệt thòi lớn cho dân và phát sinh nhiều vụ việc khiếu kiện, gây mất an ninh trật tự xã hội trên địa bàn miền núi, biên giới.

Chủ đầu tư dự án “lật kèo”

DA thủy điện Hủa Na, huyện Quế Phong, Nghệ An, được khởi công xây dựng năm 2008, đã gây ảnh hưởng đến 14 bản của 2 xã Thông Thụ, Đồng Văn với 1.362 hộ dân phải di dời tái định cư (TĐC). Trong đó, có 878 hộ phải di dời đến 13 bản TĐC. Trong quá trình thực hiện DA, chủ đầu tư đã được chính quyền huyện Quế Phong và 2 xã Thông Thụ, Đồng Văn ủng hộ; nhân dân đồng thuận để đến tháng 7/2012 việc di dân hoàn tất, tạo điều kiện DA được hoàn thành. Đến tháng 2/2013, Nhà máy Thủy điện Hủa Na chính thức phát điện.

Ông Lô Hồng Ngân bức xúc bởi cách chi trả mới của chủ dự án.

Ông Lô Hồng Ngân bức xúc bởi cách chi trả mới của chủ dự án.

Người dân trú tại bản TĐC bản Piêng-văn, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong cho biết, trước khi xây dựng DA thủy điện, cán bộ, chủ đầu tư DA đã phối hợp chính quyền địa phương đến tận nơi thảo luận với gia đình về phương án đổi trừ đất chi tiết từng loại. Tuy nhiên, sau hơn 8 năm, DA đã hoàn thành và đi vào hoạt động, thì chủ đầu tư lại “lật kèo” lập ra một phương án đền bù khác, gây thiệt thòi lớn cho các hộ TĐC trong bản.

Ông Lô Hồng Ngân, ở bản Piêng-văn cho biết: Nếu thực hiện phương án đền bù ban đầu chủ đầu tư đưa ra, thì gia đình tôi được chi trả hơn 466 triệu đồng, nhưng lại thay đổi phương án, nên hiện tại gia đình chúng tôi chỉ còn được chi trả 160 triệu đồng.

Sau 13 năm triển khai DA, nhiều công trình hạ tầng tại các khu vực TĐC đã xuống cấp nghiêm trọng; đời sống của người dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, nhất là các mục quan trọng...

Còn 30 hộ dân bản Piềng-Văn, xã Đồng Văn tại điểm TĐC Huôi Chà Là cũng có chung hoàn cảnh như 2 gia đình ông Ngân và ông Thái. Để nhường đất cho DA thủy điện Hủa Na, 1.363 hộ dân khu vực này đã phải di dời đến 13 điểm TĐC khác; 181 hộ được giao đất để ổn định cuộc sống. Có 217 hộ, diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi ít hơn diện tích đất được giao tại nơi đến. Các hộ này không phải nộp tiền sử dụng đất. Còn 481 hộ có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi nhiều hơn diện tích đất được giao cũng chưa được đền bù đồng nào. Số hộ này đang phải chịu thiệt thòi do chủ DA đưa ra phương án đền bù khác so với thống nhất ban đầu.

Cuộc sống của người dân không bằng nơi ở cũ

Ông Lê Văn Giáp, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, thừa nhận: Phải khẳng định rằng ở khu TĐC, kết cấu hạ tầng điện - đường - trường - trạm tốt hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên cuộc sống ổn định cho người dân không bằng nơi ở cũ. Chẳng hạn như là diện tích đất bị thu hồi rất lớn, bao gồm diện tích lúa nước, ao hồ nuôi trồng thủy sản, rồi đất trồng cây lâu năm..., nhưng đến nơi ở mới người dân được cấp lại là ít hơn nhiều so với nơi ở cũ.

Căn cứ văn bản đồng thuận của Công ty CP Thủy điện Hủa Na, thể hiện qua nội dung văn bản số 361 ngày 3/7/2018, huyện Quế Phong, Nghệ An đã thực hiện tính toán đối trừ giá trị quyền sử dụng đất giữa nơi đi và nơi đến đối với các loại đất ở, đất vườn, ao liền kề đất ở và đất ruộng lúa nước; lập phương án bồi thường, hỗ trợ chi tiết từng loại đất sản xuất nông nghiệp và đất lâm nghiệp với tổng kinh phí hơn 78,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngày 29/5/2019, Công ty Thủy điện Hủa Na lại bất ngờ có Văn bản số 280 đề nghị UBND tỉnh Nghệ An hướng dẫn cách tính đối trừ giá trị khác, nếu áp dụng, người dân tái định cư sẽ chịu thiệt khoảng hơn 34 tỷ đồng. Phương án đền bù TĐC Thủy điện Hủa Na đã được nhiều cấp, ngành giải trình, đề xuất, quan tâm nhiều năm.

Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo UBND huyện Quế Phong và các cơ quan chức năng phối hợp, sớm tham mưu văn bản xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ; Và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An cũng đã vào cuộc thực hiện giám sát nội dung này.

Theo đó, chủ trương thực hiện giám sát công tác bồi thường đất DA Thủy điện Hủa Na với trọng tâm là việc tính toán đối trừ giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp giữa nơi đi và nơi đến tại các khu tái định cư, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.


Khánh Tâm
Ý kiến của bạn