Càng gần đến cuối năm, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ, vấn đề vốn dĩ đã không còn là mới càng diễn biến nóng bỏng và phức tạp hơn. Hàng giả, hàng nhái không chỉ bị làm giả trong nước mà còn bị làm giả tại nước ngoài, sau đó tuồn về nội địa tiêu thụ.
Tại hội chợ do Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương tổ chức mới đây, rất nhiều thương hiệu trong nước đã bị làm giả từ những chiếc bút bi nhãn hiệu Thiên Long hay sản phẩm nhựa Đông Á… Điều đáng nói, những sản phẩm này đều được làm giả tại nước ngoài, sau đó đem về Việt Nam tiêu thụ. Vì thế, mặc dù có rất nhiều công ty trong nước đã mạnh dạn đầu tư lớn vào dây chuyền sản xuất những mặt hàng, sản phẩm uy tín và chất lượng cao, cao hơn hẳn hàng nhập từ nước ngoài về, tuy nhiên, với việc hàng giả, hàng nhái hoành hành đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của doanh nghiệp trong nước dẫn tới người tiêu dùng, khách hàng không tin tưởng và hệ lụy không chỉ doanh nghiệp chịu thua thiệt, bị cách làm ăn gian dối trên đẩy đến chỗ phải phá sản, bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng rất lớn khi không dám mua các sản phẩm có chất lượng vì sợ mua phải hàng nhái, hàng giả.
Theo Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, phương thức, thủ đoạn làm ăn phi pháp của các đối tượng làm hàng nhái, hàng giả rất tinh vi và liên tục thay đổi, thậm chí là sử dụng công nghệ cao của nước ngoài và móc nối từ trong nước ra nước ngoài để sản xuất hàng giả đưa vào thị trường nội địa. Trên thực tế, rất khó để có thể quản lý được hàng giả ngay từ biên giới. Lợi dụng chính sách ưu đãi cho cư dân biên giới ở các bản cao giáp biên, các đối tượng buôn lậu đã sang Trung Quốc mua hàng và thuê khoán thẳng cho cư dân biên giới vận chuyển và hợp thức hóa thủ tục để mang về nội địa tiêu thụ. Khi đã lọt vào nội địa, việc truy xuất lại lô hàng là rất khó.
Trong năm 2014, các bộ, ngành, địa phương đã bắt hàng trăm nghìn vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái, xử phạt và truy thu nộp ngân sách hơn 11 nghìn tỷ đồng. Nhưng đấy mới chỉ là một phần, thực tế, theo các cơ quan chức năng, việc chưa kiểm soát chặt ngay tại các cửa khẩu sẽ dồn hết cho lực lượng kiểm soát trong nội địa sẽ là gánh nặng và thách thức cho các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, truy xuất nguồn gốc của hàng hóa. Một khó khăn khác trong công tác chống hàng giả tại cửa khẩu hiện nay là nhiều địa phương khu vực biên giới mở một số cửa khẩu phụ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu nhưng lại khiến cho tình trạng buôn lậu gian lận thương mại ở khu vực cửa khẩu, biên giới diễn biến phức tạp.
Trong dịp kỷ niệm “Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái” mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo toàn dân cần nhận thức rõ việc chống hàng giả là việc làm bức thiết và lâu dài, Phải xác định đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái ngay từ khu vực biên giới, cửa khẩu là điểm mấu chốt, quan trọng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị các cơ quan báo chí cần phải vào cuộc và xác định đây là trách nhiệm để tuyên truyền định hướng cho người dân và các doanh nghiệp trong nước nhanh chóng đẩy lùi nạn hàng gian, hàng giả tràn lan hiện nay.
Minh Ngọc