Mỗi năm Hà Nội có khoảng 27 nghìn phương tiện đăng ký mới gồm ôtô, xe máy, xe đạp điện. Đó là chưa kể lượng phương tiện rất lớn từ các tỉnh đổ về Hà Nội mỗi ngày. 5 năm trước Hà Nội tăng trưởng kinh tế bình quân 9,23%, đầu tư vào hạ tầng chỉ 4%, di dân tự do trung bình 1,4%. Năm nay di dân tăng 1,9%, tốc độ phương tiện tăng 17%. Thực tế phương tiện ô tô đã tăng 191%, còn xe máy tăng 92% so với thời điểm 10 năm trước đây. Với tốc độ tăng phương tiện phi mã như vậy thì không có một hệ thống hạ tầng, quy hoạch nào theo kịp. Vậy nhưng, công tác thực hiện quy hoạch và quản lý phương tiện giao thông tại Hà Nội lại chưa hiệu quả.
Nhận định về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính khẳng định, nếu phương tiện cá nhân gia tăng như hiện nay, bộ mặt đô thị của Thủ đô sẽ hết sức nhếch nhác và ùn tắc sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn. Hà Nội phải quyết liệt hơn trong phát triển giao thông công cộng như tàu điện ngầm, xe buýt nhanh và các công trình hạ tầng giao thông. Trong khi đó hàng loạt dự án đường sắt đô thị triển khai cả chục năm vẫn chưa thể đón khách, chậm tiến độ liên miên… Vì vậy, ùn tắc giao thông tại Hà Nội trong những năm tới đang như một “thảm họa” tiến gần.
Về các điểm ùn tắc, trong giai đoạn 2016 - 2017 số điểm đã giảm còn khoảng 30 điểm, tuy nhiên hiện nay đã tăng thêm 13 điểm. Thống kê của Sở GTVT Hà Nội cho thấy, trong 37 điểm ùn tắc đang tồn tại nhức nhối thì có đến 13 điểm là tái diễn ùn tắc, trong đó có các điểm đã từng được giải tỏa bằng cầu vượt thép như Lê Văn Lương - Láng Hạ, Láng - Nguyễn Chí Thanh... Tình trạng ùn tắc xảy ra liên miên trên hàng loạt các tuyến phố. Phải chăng các giải pháp chống ùn tắc, đảm bảo giao thông của Hà Nội không còn phát huy hiệu quả, thậm chí rơi vào bế tắc?
Trong khi đó, hàng loạt giải pháp về giảm ùn tắc giao thông, quản lý phương tiện của thành phố đang gặp nhiều vướng mắc. Trong 7 nhóm giải pháp UBND thành phố vừa phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội xem xét điều chỉnh Luật, quy định. Tiến độ của các nhóm giải pháp này, trong đó có một số nội dung rất quan trọng là thu phí lưu hành phương tiện vào nội đô, phí phụ thu ô nhiễm môi trường thông qua đăng kiểm, quản lý các loại xe điện như phương tiện giao thông… thì đang chờ các cơ quan cấp trên phê duyệt.
Đi tìm nguyên nhân của tình trạng ùn tắc, vấn đề trên đang tồn tại trên nhiều lĩnh vực. Đơn cử, với lĩnh vực hạ tầng, mặc dù đã chi hàng trăm nghìn tỷ đồng trong vài năm qua nhưng quỹ đất dành cho giao thông Hà Nội hiện nay mới được từ 7 - 8% đất đô thị (yêu cầu là 20 - 25%). Từ chỉ số này, không cần người có chuyên môn cũng thấy được sự đầu tư, quản lý không hiệu quả của các cơ quan có liên quan.
Để giải quyết tình trạng này, hơn 10 năm nay, Chính phủ đã có chủ trương di dời các nhà máy, trụ sở, trường học và bệnh viện tại nội thành Hà Nội ra ngoại thành để giảm mật độ dân cư. Cùng với đó, Chính phủ cũng có yêu cầu, trong khu vực trung tâm từ đường vành đai 2 trở vào, không xây dựng các tòa cao ốc cao trên 10 tầng. Vậy nhưng, trong 10 năm qua, ngoài những tòa nhà cao ốc đã xây dựng, đưa vào sử dụng, hiện khu vực trung tâm Hà Nội vẫn còn hàng chục dự án tòa nhà cao trên 10 tầng, có dự án cao trên 40 tầng. Thậm chí, đất tại một số cơ quan, trường học được di dời đi để giảm áp lực dân cư, thì chính tại đây lại mọc lên những cao ốc thương mại cao từ 20 - 30 tầng.
Theo lãnh đạo Hà Nội, lâu nay dư luận phê phán Hà Nội xây nhà cao tầng gây ùn tắc nhưng nếu không xây thì không có nhà cho dân ở. Vấn đề chính ở đây là hệ thống giao thông công cộng, tàu điện ngầm triển khai quá chậm. Được biết, Hà Nội đã quy hoạch 8 tuyến tàu điện ngầm chiều dài hơn 300km, nhưng tiến độ triển khai rất chậm so với yêu cầu.
Khắc phục ùn tắc giao thông là công việc hết sức khó khăn, cần sự tham gia của nhiều cơ quan, bộ ngành. Để giải quyết được ùn tắc, Hà Nội phải thực hiện ngay việc giãn dân cư ra khu vực ngoại ô, giảm nhà cao tầng theo đúng chủ trương, quy hoạch của Chính phủ. Còn với tỷ lệ dân như hiện nay, thành phố Hà Nội có thực hiện bất kỳ giải pháp, xây dựng công trình giao thông tiền tỷ nào trong nội thành thì nó cũng trở nên lạc hậu, mất giá trị chỉ sau một thời gian sử dụng. Và như vậy giải pháp chống ùn tắc sẽ tiếp tục bế tắc.