Theo Công ty cổ phần Dịch vụ đường cao tốc Việt Nam (VEC E) – đơn vị quản lý tuyến cao tốc TP.HCM – Vĩnh Hảo, tình trạng trộm cắp thiết bị, vật tư đã diễn ra nhiều năm qua, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng và tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn giao thông.
Theo đó, các đối tượng thường nhắm đến dây cáp điện phục vụ chiếu sáng và điều hành giao thông, tấm chắn rác tại lỗ thoát nước, hàng rào hành lang an toàn…Những vị trí bị trộm thường nằm ở các đoạn vắng dân cư, đi qua rừng cao su, đồng ruộng hoặc gần các nút giao thông – nơi dễ dàng cho việc tiếp cận, tẩu thoát.
Không chỉ tuyến TP.HCM – Vĩnh Hảo, các tuyến cao tốc khác như Hà Nội – Hải Phòng, Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Liên Khương – Đà Lạt, Vân Đồn – Móng Cái… cũng xảy ra tình trạng tương tự. Riêng trên tuyến Hà Nội – Hải Phòng, trong năm 2024 đã ghi nhận hàng chục vụ mất trộm dây cáp điện và dây tiếp địa, gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Việc hệ thống chiếu sáng bị phá hoại khiến tầm nhìn ban đêm của lái xe bị hạn chế, gia tăng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Tình trạng vật tư trên cao tốc bị mất trộm vẫn diễn ra tuy nhiên công tác xử lý lại gặp nhiều khó khăn.
Pháp luật đã có quy định rõ ràng đối với hành vi trộm cắp tài sản, thiết bị trên đường cao tốc. Nhiều vụ việc đã được đưa ra xét xử. Đơn cử, tháng 6/2024, Tòa án nhân dân huyện Thống Nhất (Đồng Nai) đã xử sơ thẩm hai vụ trộm cáp chiếu sáng trên tuyến TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, tuyên án 10 tháng tù và 2 năm tù với hai đối tượng vi phạm, đồng thời buộc bồi thường toàn bộ thiệt hại.
Tuy nhiên, công tác tuần tra, xử lý vẫn gặp nhiều trở ngại. Một trong những khó khăn lớn nhất là đặc thù tuyến đường trải dài, đi qua nhiều địa bàn, địa hình phức tạp. Nhiều đoạn vắng vẻ, không có dân cư sinh sống, lại nằm sâu trong rừng cây hoặc đồng ruộng, gây trở ngại cho việc quan sát và phát hiện kịp thời hành vi trộm cắp.
Lực lượng tuần tra mỏng, chủ yếu bố trí theo khu vực quản lý, khó có thể kiểm soát toàn tuyến liên tục, nhất là vào ban đêm. Trong khi đó, các đối tượng trộm cắp thường hoạt động rất tinh vi, manh động và nắm rõ địa hình. Chúng thường chọn thời điểm vắng người, rạng sáng hoặc lúc mưa gió để ra tay nhằm tránh bị phát hiện. Một số nhóm còn sử dụng công cụ chuyên dụng để cắt dây, tháo gỡ thiết bị rất nhanh chóng.
Bên cạnh đó, quy định về quản lý khai thác cao tốc hiện nay cũng tạo ra những rào cản nhất định trong việc phối hợp xử lý. Cao tốc là tuyến đường chuyên dụng cho phương tiện cơ giới, không cho phép người và xe dân sự tùy tiện ra vào. Điều này khiến việc huy động lực lượng hỗ trợ từ địa phương gặp nhiều trở ngại, nhất là trong các tình huống cần tiếp cận gấp. Không ít vụ việc, dù có tín hiệu nghi vấn nhưng khi lực lượng chức năng đến được hiện trường thì đối tượng đã kịp rút lui.
Ngoài ra, một số đoạn tuyến chưa được đầu tư đầy đủ hệ thống camera giám sát hoặc hệ thống chiếu sáng, khiến việc theo dõi, truy vết hành vi vi phạm gặp nhiều hạn chế. Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu các điểm trung chuyển tuần tra hoặc khu vực chốt trực cũng là yếu tố khiến công tác kiểm soát an ninh trên tuyến bị động.
Để tăng cường phòng ngừa, lực lượng chức năng khuyến cáo các tài xế không dừng đỗ sai quy định – vốn là yếu tố tạo điều kiện cho kẻ gian lợi dụng. Khi lái xe vào ban đêm, đặc biệt ở các đoạn thiếu đèn chiếu sáng, cần chú ý quan sát, giữ khoảng cách an toàn, tuyệt đối không sử dụng điện thoại. Nếu phát hiện hành vi nghi vấn, người dân cần kịp thời thông báo đến đơn vị quản lý tuyến đường hoặc cơ quan chức năng qua số điện thoại đường dây nóng.
Xem thêm video được quan tâm:
Tài xế đi ngược chiều cao tốc bị phạt 35 triệu và cũng là người đầu tiên bị trừ 10 điểm giấy phép lái xe.