Theo đó, từ sau Kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 2.976 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.
Bên cạnh việc cử tri và nhân dân tiếp tục thể hiện sự tin tưởng, kỳ vọng vào quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đã xét xử nhiều vụ án tham nhũng lớn, kỷ luật nhiều cán bộ có hành vi lợi dụng chức vụ và kẽ hở của pháp luật để tham nhũng. Tuy nhiên, cử tri cũng quan tâm đến vấn nạn tham nhũng “vặt” chưa giảm. Nhân dân tiếp tục phản ánh việc sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản ở một số địa phương không theo quy hoạch; vẫn còn tình trạng phá rừng, khai thác đá, cát, sỏi trái phép, không phép. Việc đền bù, tái định cư khi thu hồi đất chưa công khai, minh bạch; giá bồi thường chưa phù hợp; còn một số sai phạm, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai chưa được giải quyết thỏa đáng, là một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện bức xúc, kéo dài...
Liên quan đến vấn đề tham nhũng, thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được đưa ra xét xử, kỷ luật nhiều cán bộ có hành vi lợi dụng chức vụ và kẽ hở của pháp luật để tham nhũng, “lợi ích nhóm”, gây thất thoát nghiêm trọng tài sản của Nhà nước. Đáng lưu ý, có một số vụ việc đặc biệt nghiêm trọng được phát hiện, xử lý kịp thời được cử tri và nhân dân đồng tình, ủng hộ như: vụ AVG, vi phạm đất đai ở thành phố Đà Nẵng, cảng Quy Nhơn, Hãng Phim truyện Việt Nam, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, vụ đánh bạc trên internet... Nhưng cử tri và nhân dân còn bất bình vì nạn tham nhũng “vặt” chưa giảm, nhiều doanh nghiệp và người dân phải chi trả những khoản chi phí ngoài quy định khi thực hiện thủ tục hành chính.
Cử tri mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; coi trọng các giải pháp phòng ngừa; đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu; thực hiện thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát. Đồng thời đề nghị thực hiện nghiêm Luật Phòng chống tham nhũng, kịp thời có văn bản hướng dẫn thực hiện, nhất là với các quy định về công khai, minh bạch tài sản, thu nhập, về thu hồi tài sản tham nhũng, về trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành và chính quyền địa phương.
Tại buổi thảo luận cho ý kiến vào Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trước Kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khóa XIV, Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ quan tâm và có giải pháp hiệu quả, quyết liệt hơn nữa để chống tham nhũng “vặt”, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Cùng với đó, Ủy ban Tư pháp Quốc hội kiến nghị bên cạnh chống tham nhũng “vặt”, cần tập trung chống tham nhũng lớn, nhất là tham nhũng thông qua các hình thức lợi ích nhóm và sân sau.